Chương trình Ngày Liên Hợp Quốc và Tọa đàm “Cách tiếp cận đa phương và giải pháp mới đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm”
Ngày 13/12 vừa qua, chương trình Ngày Liên Hợp Quốc (UN Day) với Tọa đàm “Cách tiếp cận đa phương và giải pháp mới đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Tham dự chương trình, về phía Liên Hợp Quốc (LHQ) có sự tham dự của bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam. Về phía Bộ Ngoại giao có sự tham gia của ông Đặng Đình Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ. Về phía Học viện Ngoại giao, chương trình có sự tham gia của TS. Phạm Lan Dung, Q. Giám đốc Học viện Ngoại giao. Chương trình còn vinh dự đón tiếp các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam tham dự trực tiếp và ông Otto Scharmer, Đồng sáng lập Presencing Institute, giảng viên cao cấp, Trường Quản lý Sloan, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tham dự trực tuyến chương trình.
Mở đầu chương trình, TS. Phạm Lan Dung nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chương trình lần này, đánh dấu chặng đường 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. TS. Phạm Lan Dung khẳng định LHQ là một đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục với nhiều chương trình học tập cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Đồng thời, TS. Phạm Lan Dung cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các quốc gia thành viên LHQ vì đã giúp đỡ Việt Nam trong quá trình đối phó đại dịch Covid-19 vừa qua.
Bàn luận về đại dịch Covid-19, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, khẳng định rằng thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đòi hỏi các nước cần tập trung vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và đưa ra các biện pháp đa phương giải quyết các vấn đề toàn cầu trong tương lai.
Nhấn mạnh về vấn đề phát triển bền vững và bao trùm, ông Otto Scharmer đã chia sẻ về phương pháp chuyển đổi tư duy lãnh đạo và hệ thống hướng tới mục tiêu, đặt vấn đề về những thách thức mà thế giới có thể đối mặt trong tương lai. Ông nhấn mạnh bốn điểm cốt lõi chính trong vấn đề phát triển nhận thức và tư duy, tóm gọn xung quanh việc chỉ khi chúng ta tự giác chuyển mình, hệ thống mới thực sự thay đổi.
Tổng kết buổi Tọa đàm, Đại sứ Đặng Đình Quý đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa các quốc gia, không chỉ trong LHQ mà còn giữa các quốc gia và tổ chức khác, cùng nhau tạo ra sự thay đổi để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình Ngày Liên Hợp Quốc và buổi Tọa đàm đã kết thúc thành công trong không khí thân mật và cởi mở, đưa ra thảo luận nhiều vấn đề trong tiếp cận đa phương và phát triển bền vững. Buổi Tọa đàm góp phần xây dựng nhận thức chung của thế hệ trẻ đối với vấn đề phát triển bền vững, từ đó phát triển nhiều sáng kiến hữu ích trong tương lai./.
Một số hình ảnh khác: