

Với chuyên ngành Luật quốc tế, sinh viên không những có thể tham gia thực tập ở các Bộ, Ban, Ngành mà còn có thể ứng tuyển vào các công ty, văn phòng Luật ở Việt Nam và quốc tế, cũng như các tổ chức quốc tế phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân. Sinh viên Phạm Quốc Hào ngành Luật Quốc tế khóa 49 chia sẻ: “Tháng 6 tới mình sẽ tham gia thực tập tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Công việc dự kiến của mình là hỗ trợ tham gia soạn thảo, rà soát tính pháp lý của hợp đồng và các văn bản hành chính; cập nhật các văn bản pháp luật mới, các thông tin pháp lý liên quan đến hoạt động của công ty.”
“Mình đã có thời gian tham gia và hoàn thành chương trình thực tập tại Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế - Bộ Ngoại giao. Trong quá trình thực tập, mình được giao nhiệm vụ như: nghiên cứu một số vấn đề pháp lý nổi bật được các quốc gia thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc; hỗ trợ tổ chức Hội nghị của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Việt Nam, hội nghị tập huấn điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Bộ Ngoại giao; sắp xếp, chỉnh lý hồ sơ của một số điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.” - Chia sẻ của sinh viên Trịnh Bình Minh, sinh viên khóa 48 ngành Luật Quốc tế. Nhận được thông báo của đơn vị thực tập gửi về Khoa Luật Quốc tế, Bình Minh đã chuẩn bị CV ứng tuyển để gửi cho đơn vị thực tập và được lựa chọn cho chương trình thực tập này. Theo Bình Minh, bạn quyết định tham gia chương trình thực tập này vì Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế là cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế, công việc ở đây liên quan trực tiếp với những kiến thức được học tại Học viện giúp bạn được áp dụng kiến thức vào công việc thực tế cũng như trau dồi thêm nhiều kỹ năng mới.
Nhằm hướng đến trải nghiệm học tập tốt nhất cho sinh viên, chương trình giảng dạy cung cấp các lớp học được đầu tư chỉn chu và đầy tâm huyết. “Tại khoa Luật quốc tế, chúng mình được thầy/cô trang bị hệ thống kiến thức chuyên sâu về Công pháp Quốc tế, Luật Kinh tế quốc tế, Luật Biển quốc tế, Luật Đầu tư Quốc tế, và các môn Luật Việt Nam,...” - Quốc Hào chia sẻ. Đồng thời, Học viện phối hợp cùng khoa Luật quốc tế thường xuyên tổ chức các buổi Hội thảo, Tọa đàm, Cuộc thi cũng như chương trình Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu khoa học Luật quốc tế, từ đó giúp sinh viên nâng cao kiến thức và có cái nhìn rõ hơn về ngành học trong thực tế.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho bản thân khi đi thực tập, Bình Minh nhận định một nền tảng ngoại ngữ vững vàng cũng như vốn hiểu biết sâu rộng về các vấn đề xã hội là rất cần thiết, bởi môn học của ngành Luật Quốc tế sẽ liên quan tới các văn bản pháp lý và các vấn đề thực tiễn trong đời sống quốc tế. Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, biết nắm bắt cơ hội và tư duy phản biện cũng cần được rèn luyện và phát huy.
Từ những kiến thức và kỹ năng chuyên môn học được trên lớp, sinh viên cần tôi luyện và rèn giũa các tố chất mà sinh viên Luật quốc tế cần có như sự chăm chỉ, năng động và tự tin. Theo Quốc Hào, “sở dĩ là bởi trước hết, ngành Luật quốc tế đòi hỏi sự tập trung chuyên môn cao, tính thích ứng với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành nên nếu không có những tố chất này thì sẽ rất khó để theo đuổi ngành luật tới cuối cùng.” Ngoài ra, tư duy logic, kỹ năng nghiên cứu để có thể phân tích luật, áp dụng vào các tình huống thực tế cũng rất quan trọng khi ứng tuyển vào các vị trí thực tập về ngành Luật quốc tế.
Dành cho các sinh viên hậu bối cùng ngành, Quốc Hào nhắn nhủ:“Mong rằng các bạn hãy thật tự tin và chủ động tham gia thật nhiều các hoạt động trong khuôn khổ Học viện nhé. Thân ái chào quyết thắng các em!”
Trên đây là những chia sẻ của các bạn sinh viên ngành Luật quốc tế về những cơ hội thực tập và trải nghiệm trong quá trình thực tập của bản thân. Từ những chia sẻ này, hy vọng các bạn sinh viên sẽ giải đáp được các thắc mắc đang có cũng như trang bị thêm cho mình thông tin về chuyên ngành mình đang theo học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các dự định tương lai.
Hoàng Ngân