Diễn đàn Đại sứ Học viện Ngoại giao: Đại sứ Nga tới thăm và trao đổi với sinh viên và cán bộ Học viện

10:15 21/03/2019

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đại sứ 2019 do Học viện Ngoại giao tổ chức, Sáng 20/03/2019, tại Học viện Ngoại giao đã diễn ra buổi nói chuyện của Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin V. Vnukov về chủ đề: “Chính sách đối ngoại của Nga trên hướng đi Phương Đông: Vai trò và vị trí của Việt Nam”.

     Tham dự buổi nói chuyện có Giám đốc Học viện Ngoại giao, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng (chủ trì), ông Valentin Laptev, Bí thư thứ Ba Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, GS. TS. Vũ Dương Huân (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok - Nga), TS. Nguyễn Tuấn Việt (Trưởng Khoa Chính trị quốc tế & Ngoại giao), các giảng viên và sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế & Ngoại giao.     Mở đầu buổi nói chuyện, Đại sứ Konstantin V. Vnukov khẳng định, Nga là một cường quốc Á - Âu, kết hợp hài hòa các đặc tính của cả phương Tây và phương Đông. Quốc huy của Nga xuất phát từ Konstaninopol, thể hiện đại bàng hai đầu hướng ánh mắt đều sang cả hai phía của Trái đất. Tầm quan trọng của hướng đi phương Đông trong chính sách đối ngoại của Nga đã được lập luận bởi người sáng lập ra nền giáo dục và khoa học Nga Mikhail V. Lomonosov từ thế kỉ XVIII.

     Đại sứ Vnukov cho rằng: Sự hùng mạnh của Nga sẽ được nhân lên nhờ vùng Sibir và Đại dương phía Bắc. Các giao lưu tiếp xúc của Nga với các dân tộc phương Đông đã được thiết lập từ nhiều thế kỉ trước. Chẳng hạn như với Việt Nam, Nga đã đặt cơ quan lãnh sự đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1906. Điều này chứng minh rằng chính sách phương Đông của Nga đã xuất hiện từ lâu, chứ không phải đến khi Mỹ “xoay trục” sang châu Á, Nga mới điều chỉnh theo vì cục diện địa - chính trị thay đổi.

     Cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng và Nga thấy tiềm năng to lớn trong việc tham gia các định dạng liên kết khác nhau, trước hết là ASEAN, APEC, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh kinh tế Á - Âu. Học thuyết chính sách đối ngoại 2016 ghi nhận sự ưu tiên của Nga dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đối tác chiến lược toàn diện và người bạn lâu đời, bền chặt với nước Nga.

     Trong lịch sử thế giới, khó mà tìm được hai dân tộc tuy khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa và phong tục tập quán, nhưng lại vô cùng gần gũi về mặt tinh thần. Quan hệ hai nước phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quân sự, giáo dục, văn hóa và du lịch. Đặc biệt, phối hợp hành động giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật - quân sự là sự phản ánh mức độ tin cậy cao.     Năm 2019 - 2020 là năm “chéo” đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước: Năm Việt Nam tại Nga và năm Nga tại Việt Nam. Trong khuôn khổ đó, dự kiến sẽ có hơn 150 hoạt động chung giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Đại sứ tin tưởng rằng, việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước là điểm sáng quan trọng trong duy trì an ninh và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.

     Sau khi phần thuyết trình, Đại sứ Vnukov nhận được nhiều câu hỏi từ các sinh viên và cán bộ về Hướng đi phương Đông của Nga, quan hệ Nga - Mỹ, cũng như vai trò của Việt Nam trong việc kết nối Nga và ASEAN…     Buổi nói chuyện đã mang lại nhiều cảm hứng và cách tiếp cận mới cho sinh viên và cán bộ của Học viện.

Cùng chuyên mục