Đối thoại "Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại" - Feminist Foreign Policy Dialogue

21:00 07/10/2021

Ngày 7/10, buổi đối thoại “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong chính sách đối ngoại”- “Feminist Foreign Policy Dialogue” do Học viện Ngoại giao phối hợp với UN Women và các Đại sứ quán: Thụy Điển, Pháp, Mexico, Tây Ban Nha và Canada tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự buổi đối thoại, về phía Bộ Ngoại giao có sự hiện diện của ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; bà Nguyễn Phương Nga, Đại sứ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Về phía Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, buổi đối thoại có sự tham gia của bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam; ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam; bà Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam; bà Sara Valdes, Đại sứ Mexico tại Việt Nam và bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Buổi đối thoại còn có sự góp mặt của bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam và Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao với vai trò là điều phối viên.

Ngoài ra, hơn 500 bạn sinh viên đến từ Học viện Ngoại giao, Đại Học Ngoại thương, Đại học VinUni và Đại học Fulbright Việt Nam cũng có mặt để tham gia buổi đối thoại trên nền tảng trực tuyến.

Mở đầu buổi đối thoại, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao gửi lời chào và cảm ơn đặc biệt đến các đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam vì đã có những đóng góp to lớn trong việc tổ chức buổi đối thoại trong thời gian vừa qua. Quyền giám đốc khẳng định, tại Việt Nam, phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong suốt tiến trình phát triển của đất nước. Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong mọi lĩnh vực từ chính trị, đến kinh tế, xã hội.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đại diện BTC phát biểu mở đầu Đối thoại. 

Buổi đối thoại có vai trò giới thiệu về khái niệm của “Chính sách đối ngoại nữ quyền” và ý nghĩa của chính sách trên trường chính trị quốc tế; chia sẻ những chính sách và hành động thực tiễn đã được triển khai bởi 5 quốc gia: Canada, Tây Ban Nha, Pháp, Thuỵ Điển và Mexico, từ đó trao đổi những sáng kiến và kinh nghiệm đúc rút từ việc triển khai Chính sách đối ngoại nữ quyền của các các quốc gia. Buổi đối thoại còn là dịp cung cấp cho các bạn sinh viên, thế hệ ngoại giao trẻ của Việt Nam những kiến thức và góc nhìn mới lạ về vấn đề bình đẳng giới trong ngoại giao nói riêng và vấn đề nữ quyền nói chung.

Ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu tại Đối thoại.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã có bài phát biểu tại sự kiện. Thứ trưởng gửi lời chào tới các Đại sứ, Đại diện UN Women và bày tỏ niềm vinh hạnh có mặt tại sự kiện đặc biệt và nhấn mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trong việc thực thi các chính sách đối ngoại trên các diễn đàn song phương và đa phương là vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chủ động có những bước tiến để đảm bảo cam kết của quốc gia đối với thỏa thuận quốc tế về bình đẳng giới. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình và đối thoại về trao quyền cho phụ nữ cũng như bình đẳng giới. Với những nỗ lực trên, môi trường làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày càng trở nên bình đẳng với nhiều cán bộ là nữ giới có kỹ năng chuyên môn cao.

Bà Nguyễn Phương Nga, Đại sứ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu.

Tại phiên thứ nhất của buổi đối thoại, Đại sứ của các nước lần lượt chia sẻ về Chính sách đối ngoại nữ quyền mà các quốc gia đang thực hiện. Đại sứ Pháp Nicolas Warnery chia sẻ, chính sách của Pháp tập trung thúc đẩy bình đẳng giới trong các ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển và nhân đạo. Ở đó, tiếng nói và quan điểm của phụ nữ luôn được lắng nghe ở mọi thời điểm và mọi góc độ. Ngoài ra, việc đảm bảo thu nhập bình đẳng giữa nam giới và nữ giới cũng là một trong những nỗ lực quan trọng trong việc tiến đến thúc đẩy một môi trường làm việc tiến bộ, lý tưởng.

Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.

Đối với Mexico, Chính sách nữ quyền ở cấp độ đối nội của nước này dành ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương và bị phân biệt đối xử trong trong xã hội, đồng thời nỗ lực thực hiện chủ nghĩa đa phương để tìm ra giải pháp chung cho các vấn đề. Bằng cách áp dụng chính sách đối ngoại nữ quyền, các vấn đề xã hội sẽ được làm sáng tỏ, bao gồm cả bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Đại sứ Mexico tại Việt Nam cho rằng, sự nhất quán trong việc đưa ra chính sách và triển khai hành động là vô cùng quan trọng. Điều đó thể hiện ở việc cải cách môi trường làm việc, nội bộ làm việc theo hướng tiếp cận nữ quyền, đảm bảo một môi trường làm việc công bằng, tạo điều kiện cho phụ nữ lên tiếng nói và chủ động đóng góp ý kiến xây dựng chính sách.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam

Tại phiên thứ 2 của buổi đối thoại, Đại sứ các nước tại Việt Nam chia sẻ về những ứng dụng của Chính sách đối ngoại nữ quyền và thực tiễn đạt được. Các ứng dụng của Chính sách nữ quyền vô cùng thực tiễn, xoay quanh việc hỗ trợ phụ nữ ở mọi mặt, không chỉ trong công việc mà còn trong đời sống. Tuy nhiên, việc triển khai gặp phải nhiều thử thách và khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác của cả một hệ thống các Bộ, các cấp ban ngành. Việc đo lường hiệu và đánh giá hiệu quả cũng không hề đơn giản, đòi hỏi cần thiết lập một mục tiêu hành động rõ ràng, cùng với đó là sự kiểm chứng một cách có hệ thống.

Bà Sara Valdes, Đại sứ Mexico tại Việt Nam
Bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam tham dự Đối thoại bằng hình thức kết nối trực tuyến. 
Bà Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam với vai trò điều phối nội dung chương trình. 

Tại mỗi phiên của buổi đối thoại, nhiều câu hỏi thú vị từ các bạn sinh viên các trường Đại học gửi tới các Đại sứ xoay quanh những bất lợi thường thấy của nữ giới trong công việc hay câu chuyện văn hóa trong vấn đề nữ quyền...Giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên, các đại sứ cùng đồng tình ở điểm trong xã hội ngày nay, khi chính sách nữ quyền được đẩy mạnh, nữ giới ngày càng trở nên bình đẳng với nam giới trong các vấn đề. Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: “Phụ nữ thậm chí còn có những điểm mạnh so với nam giới khi sở hữu nét tính cách đặc biệt và hài hoà. Họ không chỉ biết lắng nghe, thấu hiểu, linh hoạt, mềm mại mà còn rất kiên trì và quyết tâm. Đó chính là những phẩm chất cần có của một nhà ngoại giao”. Về vấn đề văn hoá và truyền thống trong việc triển khai chính sách đối ngoại nữ quyền, Đại sứ Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam khẳng định văn hoá không tồn tại mãi mãi và luôn đổi thay. Con người tạo nên văn hoá, bởi vậy, việc phụ nữ bị “cản trở” bởi văn hoá là điều phải thay đổi.

Buổi đối thoại đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí thân mật. Nhiều vấn đề và sáng kiến trong Chính sách đối ngoại nữ quyền đã được đặt ra và thảo luận một cách cởi mở, chi tiết. Hy vọng rằng, buổi đối thoại đã giúp các bạn sinh viên có thêm những góc nhìn và bài học mới về Chính sách đối ngoại nữ quyền nói riêng và về vấn đề bình đẳng giới nói chung.

Một số hình ảnh ghi lại không khí của buổi Đối thoại:

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu chụp ảnh lưu niệm cùng các Đại sứ
Buổi đối thoại được diễn ra tại  Phòng Hội thảo nằm trong Toà nhà mới của Học viện Ngoại giao
MC giới thiệu các vị đại biểu, khách quý tham dự chương trình
Các Đại sứ chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức Chương trình
TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao trả lời Phỏng vấn báo chí bên lề buổi Đối thoại.
Đại sứ Mexico tại Việt Nam trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội và VOV TV
Đại sứ Thuỵ Điển trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam
Các Đại sứ trao đổi trước giờ diễn ra chương trình.
Sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia chương trình và đặt câu hỏi trực tiếp với các diễn giả. 
Sinh viên trường Đại học Ngoại thương, Đại học Fullbright Việt Nam và Đại học VinUni tham dự trực tuyến và đặt nhiều câu hỏi thú vị với các diễn giả.
Các Đại sứ và BTC chương trình chụp ảnh lưu niệm cùng các em sinh viên của Học viện Ngoại giao

Đồng Anh - Thu Uyên - Nguyễn Hồng - Thuỳ Dương - Phương Mai

Cùng chuyên mục