Hội thảo "Các vấn đề kinh tế mới nổi và tác động đối với Việt Nam"

09:14 30/10/2024

Sáng ngày 29/10/2024, tại Phòng Geneva, tầng 3 tòa D, Học viện Ngoại giao (HVNG) đã diễn ra Hội thảo "Các vấn đề kinh tế mới nổi và tác động đối với Việt Nam". Sự kiện do TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc HVNG chủ trì, với sự tham dự của đông đảo cán bộ nghiên cứu, giảng viên HVNG và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn  nhấn mạnh  bối cảnh mới đặt ra yêu cầu nhận thức mới và nhu cầu nghiên cứu các xu hướng kinh tế mới nổi để phục vụ công tác tham mưu chính sách. Ban Tổ chức mong các đại biểu tích cực tham gia thảo luận thực chất,  đóng góp tích cực cho hội thảo.

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì Hội thảo.

Các diễn giả thảo luận về bốn chủ đề chính liên quan đến các xu hướng kinh tế toàn cầu và tác động của chúng đối với Việt Nam. Đầu tiên, diễn giả Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã trình bày Tham luận 1 về xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới và những ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông đưa ra nhận định chung rằng nền kinh tế toàn cầu dù còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song đang trên đà phục hồi tích cực. Xu hướng bảo hộ và phân mảnh thị trường quốc tế vẫn tiếp tục gia tăng và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam cũng có sự thích ứng tích cực, đặc biệt là ở góc độ xuất nhập khẩu.

Tham luận thứ hai do PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch từ Khoa Kinh tế quốc tế, HVNG trình bày đã đi sâu thảo luận về xu hướng chuyển đổi xanh trên thế giới. Bài tham luận đã phân tích các cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này. Công tác chuyển đổi xanh ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhân thức ở tất cả các cấp và trong quá trình triển khai xây dựng các chính sách, quy định cụ thể.

Tham luận thứ ba của Ông Trần Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, HVNG làm rõ một số vấn đề về an ninh kinh tế Trung Quốc, dựa trên phân tích các kết quả từ Hội nghị Trung ương 3. Diễn giả phân tích góc nhìn, quan điểm của Trung Quốc về an ninh kinh tế và cải cách, đi sâu vào một số nội dung cốt lõi về tăng trưởng kinh tế và an ninh với một số vấn đề tồn tại và giải pháp mà Trung Quốc đang đề ra.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội thảo.

Cuối cùng, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chiến lược Trung Quốc (CESS) đã phân tích về "các bức tường công nghệ mới" và tác động của chúng đối với kinh tế thế giới. Tiến sĩ Thành cung cấp cái nhìn tổng quan về bản đồ bán dẫn hiện nay trên thế giới, quan điểm về tự chủ chiến lược về công nghệ và cuộc đua bán dẫn toàn cầu. Đây là một vấn đề nóng trên các diễn đàn chính trị - kinh tế thế giới và đặc biệt thu hút sự quan tâm của các học giả tại buổi hội thảo.

Phiên thảo luận kéo dài hơn một giờ đồng hồ đã diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ các đại biểu tham dự. Các chuyên gia đã trao đổi về những vấn đề  kinh tế - chính trị mới nổi trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và những giải pháp và định hướng chính sách nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với những thách thức này. Nhìn chung, các đại biểu nhất trí cho rằng trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có những bước đi thận trọng để giảm thiểu rủi ro, gia tăng hưởng lợi từ luật chơi quốc tế mới. Chuyển đổi xanh cùng với khoa học công nghệ là hai ưu tiên trọng yếu của  Việt Nam cả trung và dài hạn. Việt Nam hiện có tiềm năng nhưng cần đánh giá đúng điểm mạnh,  điểm yếu của mình để tận dụng cơ hội và đề ra chiến lược phát triển đúng đắn.

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn đã tổng kết những nội dung chính và khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, dự báo các xu hướng kinh tế mới để có những điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trước những thách thức mới của nền kinh tế toàn cầu./.

Bảo Châu – Anh Tuấn

Cùng chuyên mục