Hội thảo “Hợp tác Mê Công - Lan Thương và các cơ hội hợp tác khu vực”

16:53 19/03/2019

     Sáng ngày 18/03, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo “Hợp tác Mê Công - Lan Thương và các cơ hội hợp tác khu vực”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) diễn ra vào cuối tháng 3 hàng năm. Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc (CIIS), đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu tại Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam và Trung Quốc.

   Hội thảo lần này là dịp để Học viện Ngoại giao và Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, với vai trò là đại diện Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mê Công của hai nước, trao đổi các ý kiến đóng góp nhằm đưa hợp tác trong khuôn khổ MLC đi vào chiều sâu và ổn định hơn.Đây còn là dịp để các nước quảng bá, nâng cao hiểu biết người dân về cơ chế hợp tác này và qua đó tìm hiểu khả năng thúc đẩy hợp tác khu vực và triển vọng MLC trong tương lai.

Toàn cảnh hội thảo

     Nội dung trao đổi tại Hội thảo xoay quanh các vấn đề: (i) Sáng kiến “vành đai, con đường” của Trung Quốc (BRI); (ii) Xung đột thương mại Mỹ - Trung; và (iii) Hợp tác Mê Công - Lan Thương. Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thảo khẳng định trong 3 năm kể từ khi thành lập cho đến nay, MLC đã có nhiều hoạt động tích cực, đưa hợp tác từ giai đoạn khởi động sang giai đoạn phát triển mới. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng khuôn khổ hợp tác ngay từ những ngày đầu thành lập với nhiều ý tưởng hợp tác được đề xuất. Tiếp nối tinh thần đó, ông Nguyễn Văn Thảo hy vọng Hội thảo sẽ là cơ hội kết nối các chuyên gia về Mê Công, đưa ra các sáng kiến thiết thực, góp phần định hướng hoạt động của MLC trong tương lai.

    Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam, ông Hùng Ba khẳng định sự kết nối chặt chẽ về địa lý, kinh tế, văn hóa của 6 nước thành viên MLC trên dòng sông Mê Công - Lan Thương. MLC đã chuyển từ sáng kiến thành hiện thực với nhiều hoạt động tích cực về hợp tác kinh tế, kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, trao đổi văn hóa, giáo dục, y tế…, hướng tới các mục tiêu cởi mở, chân thành, bình đẳng, bao trùm, và hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam có vai trò không thể thiếu trong MLC với nhiều tiềm năng hợp tác về sản xuất, nông nghiệp, quản lý nguồn nước…

     Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo trình bày và thảo luận về các khía cạnh khác nhau của MLC như hợp tác kinh tế, nguồn nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác. Bên cạnh đó, quá trình triển khai và sự phối hợp của hợp tác Mê Công - Lan Thương và các hợp tác khu vực khác còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đa dạng về nguồn vốn, chưa có cơ chế cụ thể triển khai hợp tác về nguồn nước và các nguyên tắc cơ bản về sử dụng nguồn nước, chưa có sự kết nối giữa hợp tác Mê Công - Lan Thương với các cơ chế hiện có… Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả nguồn nước bởi đây là vấn đề xuyên suốt, ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân, môi trường cũng như các lĩnh vực hợp tác khác, nhất là đối với một nước hạ nguồn Mê Công như Việt Nam./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm