Hội thảo khoa học “Sơ kết công tác lịch sử, truyền thống ngoại giao theo Chỉ thị 02-CT/BCSĐ-TĐKT ngày 31/5/2021”

09:02 07/11/2024

Ngày 06/11/2024, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Sơ kết công tác lịch sử, truyền thống ngoại giao theo Chỉ thị 02-CT/BCSĐ-TĐKT ngày 31/5/2021”. Hội thảo quy tụ sự tham gia của đông đủ các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành ngoại giao là “điểm sáng”, đóng góp quan trọng, không chỉ trong công tác triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, mà còn từng bước xây dựng, hoàn thiện lý luận về ngoại giao, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, giàu bản sắc Việt Nam. Trong bối cảnh Đất nước và ngành Ngoại giao đang bước vào giai đoạn then chốt thực hiện các mục tiêu của Đại hội Đảng 13, chuẩn bị nội dung cho Đại hội 14, đặc biệt Bộ Ngoại giao chuẩn bị chào mừng 80 năm thành lập Ngành với rất nhiều hoạt động thực chất, ý nghĩa, trong đó có xuất bản các công trình, ấn phẩm nhìn lại 80 năm ngoại giao Việt Nam, việc tổng kết, rút kịnh nghiệm, đề ra phương hướng cho giai đoạn mới là rất cần thiết.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong công tác đối ngoại, Ban Cán sự đảng Bộ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong công tác xây dựng Ngành, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh đảm đương nhiệm vụ. Ngày 31/5/2021, Ban Cán sự Đảng Bộ đã ban hành chỉ thị số 02-CT/BCSĐ về công tác lịch sử truyền thống và thi đua, khen thưởng. Ngày 01/10/2021, Bộ trưởng Ngoại giao ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch để triển khai Chỉ thị này đến năm 2025. Các văn bản chỉ đạo nói trên là sự thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đảng trong thời kỳ mới, thể sự quyết tâm quán triệt về mặt nhận thức và hành động của Lãnh đạo Bộ và toàn ngành Ngoại giao đối với việc đối mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác lịch sử và truyền thống ngoại giao.

Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị, Hội thảo thống nhất Chỉ thị đã tạo bước chuyển quan trọng, nâng cao nhận thức trong toàn Ngành về công tác lịch sử và truyền thống ngoại giao, tạo cơ chế thực hiện và phối hợp cho công tác này cho các đơn vị ở trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nền ngoại giao hiện đại và giàu bản sắc. Thông qua các kết quả đạt được về công tác lịch sử và truyền thống trong thời gian qua, đặc biệt trong việc tri ân những bậc lãnh đạo tiền bối, nhân chứng lịch sử và các thế hệ đi trước; nghiên cứu, tổng kết tư liệu về lịch sử ngoại giao, làm cơ sở cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và tạo sự kết nối giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao qua các thời kỳ, Chỉ thị đã giúp lan tỏa vai trò, đóng góp của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, góp phần phổ biến, nuôi dưỡng, phát huy lòng tự hào về lịch sử, truyền thống của Ngành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, thảo luận để tìm ra các giải pháp về vấn đề thể chế, nhân lực và tổ chức bộ máy cũng như gợi ý những hướng đi mới, cách làm mới để tạo sự chuyển đổi về “chất”, góp phần nâng cao chất lượng công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất những chủ đề nghiên cứu và nhiệm vụ trong tâm thời gian tới để đưa công tác này ngang hàng với các nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng ngành khác, phấn đấu trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong đó, các chuyên gia, đại sứ, cán bộ lâu năm và đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ cũng đóng góp nhiều ý kiến có giá trị để đưa công tác tổng kết lịch sử ngoại giao gắn với công tác nghiên cứu lý luận về ngoại giao, gắn với công tác đào tạo, giảng dạy về lịch sử và truyền thống Ngoại giao cho cán bộ và sinh viên ngoại giao.

TS Nguyễn Hùng Sơn, đại diện Học viện Ngoại giao, cơ quan hiện được Bộ giao làm đầu mối công tác lịch sử và truyền thống của Bộ cho biết, tiếp theo Hội thảo khoa học “Tầm quan trọng của công tác lịch sử và truyền thống ngoại giao đối với Bộ Ngoại giao” được tổ chức ngày 28/2/2024, Hội thảo lần này được tổ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2024/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao (có hiệu lực từ ngày 15/8/2024) tạo cơ sở pháp lý để kiện toàn bộ máy của đơn vị làm đầu mối về công tác lịch sử và truyền thống Ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Với vai trò là cơ quan đầu mối, trực tiếp tham mưu cũng như triển khai công tác lịch sử và truyền thống Ngoại giao cho Bộ, Học viện Ngoại giao luôn chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác này. Việc tổ chức Hội thảo là cơ hội để Học viện được lắng nghe các ý kiến chứa đựng nhiều tri thức, kinh nghiệm và tâm huyết đến từ các cơ quan, đại sứ, cố vấn, chuyên gia trong ngành, từ đó sẽ tiếp thu, vận dung và triển khai công tác nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử, truyền thống ngoại giao một cách khoa học, hiệu quả và phù hợp trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, Hội thảo được tổ chức rất kịp thời, nội dung tham luận và thảo luận rất thực chất, kết quả của Hội thảo là nguồn tài liệu tham khảo rất có giá trị để Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao xem xét ban hành Nghị quyết về công tác lịch sử, truyền thống của Ngành ngoại giao trong thời gian tới. Thứ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho Học viện Ngoại giao và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng nội dung phù hợp cho văn bản chỉ đạo này, bảo đảm được tính kế thừa và đổi mới, xứng đáng với tầm vóc của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

*Một số hình ảnh khác của Hội thảo

 

Mai Anh

Cùng chuyên mục