Tọa Đàm "Hạnh phúc là Đổ đầy, không phải là Đủ đầy"

10:21 24/03/2025

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc, chiều 20/3 tại Hội trường A - Học viện Ngoại giao, Ban Đào tạo ĐH&SĐH đã tổ chức tọa đàm "Hạnh phúc là Đổ đầy, không phải là Đủ đầy” dành cho sinh viên Học viện.  Buổi tọa đàm nhằm giúp sinh viên có dịp hiểu sâu hơn về tâm lý, tình cảm của chính mình và các bạn đồng trang lứa, cũng như tìm thấy cho mình cách định nghĩa hạnh phúc theo một góc nhìn mới.

Tọa đàm "Hạnh phúc là Đổ đầy, không phải là Đủ đầy" cùng nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú diễn ra tại Học viện Ngoại giao ngày 20/3/2025. (Ảnh: Lan Anh)

Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ: Hạnh phúc là Đủ đầy. Nhưng "Đủ đầy” là gì, mỗi người lại có một khái niệm khác nhau và cứ miệt mài đi tìm sự Đủ đầy đó. Vậy nên, có những người vẫn chẳng thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong cuộc đời vì lúc nào cũng nhìn thấy khuyết điểm trong con người mình hoặc ở hoàn cảnh xung quanh. Ở khía cạnh này thì để cảm nhận được Hạnh phúc, chúng ta cần biết Đủ, nghĩa là biết trân trọng những gì mình đang có, phát triển lòng Biết ơn, thay vì trách móc và đổ tội. Tuy nhiên, nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ những trăn trở của bản thân về khái niệm: hạnh phúc có phải là biết đủ. Anh bày tỏ rằng hạnh phúc đúng là biết đủ, là trân trọng những gì bản thân đang có ở hiện tại nhưng điều đó không có nghĩa là dừng lại mà các bạn trẻ cần nỗ lực, phát triển và trưởng thành hơn mỗi ngày để không dậm chân tại chỗ với sự “đủ đầy” đó.

Nguyên Trưởng ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò cũng nhấn mạnh “Chúng ta chỉ hạnh phúc khi giữ được quyền quyết định hạnh phúc của chính mình. Con chim sẽ không bao giờ sợ cành cây cong vì nó tin vào đôi cánh của chính mình.” Với anh, cuộc sống luôn tồn tại những điều kiện bên ngoài khiến chúng ta không cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là cảm nhận, để có năng lực cảm nhận Hạnh phúc thì mỗi cá nhân cần mở rộng mạng lưới kết nối, gặp gỡ nhiều người và đổ đầy vào chính mình những kiến thức và trải nghiệm để nâng cao giá trị bản thân và tự đưa ra quyết định cho cuộc đời. “Chúng ta không nên chỉ loanh quanh trong miệng giếng của mình, trong khuôn viên ngôi trường mình học hay nơi thành thị mình sống mà cần dám vươn xa.”

Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ cùng sinh viên Học viện Ngoại giao trong phần Hỏi - Đáp của Tọa đàm. (Ảnh: Lan Anh)

Ngoài ra, anh Chánh Văn tâm sự rằng muốn hạnh phúc trong tình yêu và gia đình, chúng ta cần học cách thấu hiểu. Hiểu được “ngôn ngữ tình yêu” của mỗi người khác nhau, chúng ta sẽ có cái nhìn đa chiều và thấu hiểu cách quan tâm của bạn bè, người yêu, người bạn đời, hay là cha mẹ, người thân, duy trì được tình cảm, bớt oán trách, thêm lòng biết ơn, hoá giải những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. 

Anh cũng nhấn mạnh về hệ luỵ của việc quá đắm chìm vào mạng xã hội, kêu gọi sinh viên “sống thực”. Đặc biệt là anh nêu quan điểm riêng về tình bạn: bạn bè là để giúp nhau tốt đẹp hơn, nếu bạn bè không có giá trị “sử dụng” nhau để vươn lên như thế thì không phải là Bạn. 

Kết thúc hành trình chia sẻ "Hạnh phúc là Đổ đầy, không phải là Đủ đầy”,  nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh: sự tử tế chính là nguồn gốc của hạnh phúc, là sự mầu nhiệm mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Anh hy vọng mỗi bạn sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm sẽ duy trì sự tử tế để tin yêu cuộc sống hơn và tìm thấy hạnh phúc của riêng mình./.

Thái An - Thanh Thuỷ

Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú - Nguyên Trưởng ban biên tập Báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học trò, được nhiều người trẻ biết đến với tư cách người giữ mục Công ty Divu dưới bút danh "Anh Chánh Văn” trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 - 2010. Ngoài ra, anh còn là tác giả của gần 40 đầu sách về tâm lý, tình cảm, hôn nhân gia đình và kỹ năng sống. Là diễn giả - khách mời thường xuyên trên các chương trình phát thanh, báo chí, truyền hình: "Café sáng với VTV3”, “Quan vùng thời tiết xấu”, "Tiệm sửa chữa con cái”,... Bên cạnh đó, anh còn là tác giả kịch bản phim điện ảnh đề cử Cánh Diều Vàng, nhạc kịch, phim truyền hình dành cho tuổi mới lớn, về những xung đột và biến động của tuổi mới lớn như "Chiến dịch trái tim bên phải”, "Rồi tôi sẽ lớn”, "Tuổi dậy thì”,...

Cùng chuyên mục