Ngành đối ngoại sẽ đóng vai trò tiên phong kết nối Việt Nam với các xu thế phát triển lớn của thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng
Ngày 15/4, tại khách sạn Daewoo, Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức và đồng chủ trì Tọa đàm quốc tế về “Các xu hướng lớn trên thế giới hậu Covid-19: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”.
Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo TP. Hà Nội, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế, Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Deloitte Việt Nam. Tọa đàm đã thu hút sự tham dự của gần 15 chuyên gia quốc tế hàng đầu của các tổ chức thuộc hệ thống của Liên Hợp Quốc như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Công ty Tài chính quốc tế, Liên minh Viễn thông quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của Văn phòng Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam trong công tác tổ chức Tọa đàm và sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Bộ trưởng nhấn mạnh sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã thể hiện một khát vọng phát triển lớn, đó là trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, ngành đối ngoại sẽ đóng vai trò tiên phong kết nối Việt Nam với các xu thế phát triển lớn của thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị Tọa đàm thảo luận tập trung vào các nội dung sau. Một là, đánh giá những xu hướng toàn cầu quan trọng, nhất là các xu hướng có thể tạo cơ hội cho Việt Nam bứt phá về phát triển; Hai là, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đánh giá các bài học trong việc tận dung các xu hướng toàn cầu để phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Ba là, đề xuất ưu tiên chính sách trong chiến lược phát triển của Việt Nam để tận dụng các xu thế toàn cầu hậu Covid-19, phù hợp với các đặc điểm, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Trong bài phát biểu phát biểu khai mạc Tọa đàm, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đã nhấn mạnh tới một số xu thế lớn quan trọng, tác động tới thế giới và khả năng kiến tạo tương lai tốt hơn của các quốc gia. Ông đề cập tới mối quan ngại ngày càng lớn đối với ba cuộc khủng hoảng của trái đất là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm. Các cuộc khủng hoảng này đe dọa phá hoại các thành tựu phát triển đã đạt được, cũng như triển vọng phát triển trong tương lai. Ông cũng nêu những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, cũng như tác động của tình hình này đến hợp tác đa phương, ẩn chứa nguy cơ xói mòn những giá trị phổ quát của nền quản trị toàn cầu. Ông Malhotra cũng nói tới sự bất bình đẳng diễn ra trên diện rộng trong quá trình phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các quốc gia có thể tiếp tục làm suy giảm hợp tác đa phương ở quy mô rộng hơn trong những năm tới. Ông Malhotra chia sẻ ấn tượng sâu sắc tới tốc độ nhanh mà thế giới đang vận động trong đại dịch để nắm bắt các công nghệ mới và có tính tiên phong nhằm hỗ trợ việc duy trì các dịch vụ cơ bản thiết yếu cũng như một số hoạt động kinh tế mặc dù rất nhiều người chịu tác động gián đoạn nghiêm trọng trong những lĩnh vực này và đa số chưa thể phục hồi. Kết thúc bài phát biểu, ông Malhotra cho rằng tình trạng gia tăng bất bình đẳng trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau đã trở thành một xu thế lớn, đáng quan ngại. Vì vậy, việc giảm thiểu bất bình đẳng đồng thời theo đuổi chính sách phục hồi xanh và có khả năng chống chịu là mục tiêu cao nhất của Liên Hợp Quốc. Ông bày tỏ hy vọng buổi Toạ đàm sẽ có những ý tưởng mới được đề xuất cho quá trình phục hồi này.
Tập trung thảo luận và đánh giá về các xu hướng lớn trên thế giới giai đoạn hậu Covid-19, Tọa đàm được chia thành ba phiên thảo luận chính về chuyển đổi số, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, tự cường và bền vững, và phục hồi xanh. Trên cơ sở các ý kiến, các đại biểu đã đưa ra một số gợi ý về chính sách nhằm giúp Việt Nam tranh thủ được các xu hướng lớn của thế giới, kết hợp hiệu quả nguồn ngoại lực này với sức mạnh quốc gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam đạt được các đột phá, hướng tới các mục tiêu phát triển đề ra tại Đại hội XIII.