Tọa đàm: “Chủ nghĩa dân tộc và những xu hướng tôn giáo ở Châu Âu hiện nay”
Sáng ngày 30/10/2024, tại Học viện Ngoại giao, GS.TS Thái Kim Lan đã có buổi chia sẻ cùng các sinh viên về vấn đề “Chủ nghĩa dân tộc và những xu hướng tôn giáo ở Châu Âu hiện nay”. Buổi chia sẻ mang đến cho các sinh viên những góc nhìn mới, sâu sắc về tác động của chủ nghĩa dân tộc và sự trỗi dậy của các phong trào tôn giáo tại châu Âu cũng như trên thế giới trong những thập niên gần đây
GS.TS Thái Kim Lan là một học giả và nhà triết học Việt Nam, sinh ra tại Huế, từng học tập và giảng dạy triết học tại Đại học Ludwig Maximilian (LMU) ở Munich, Đức. Là một nhà khoa học am hiểu sâu rộng về triết học, văn học Đức cũng như thấm nhuần tư tưởng văn hóa Việt, GS.TS Thái Kim Lan đã dịch nhiều tác phẩm văn học, triết học có giá trị của Đức sang tiếng Việt cũng như tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang tiếng Đức để tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước.Sau nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Đức, bà trở về Huế và thành lập Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, nơi lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa quý giá, góp phần bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Vào buổi sáng đậm chất mùa thu của Hà Nội, người con gái xứ Huế - Giáo sư Thái Kim Lan xuất hiện trong tà áo dài và chiếc mấn giữa Hội trường nhà A của Học viện Ngoại giao như mang trong mình giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Với những nghiên cứu, quan sát và trải nghiệm của những năm tháng nghiên cứu, giảng dạy và sống tại châu Âu, GS.TS Thái Kim Lan đã đi từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống khi nhắc đến bản sắc văn hóa dân tộc cũng như điều để có thể khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Giáo sư, bản sắc văn hóa của Việt Nam được tạo nên từ chính sự tự tin của người Việt Nam khi ra nước ngoài, tự tin mang những sự khác biệt – “đặc trưng” của Việt Nam đến thế giới. Đó có thể là tà áo dài, đó có thể là một làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh hoặc một làn điệu dân ca Nam Bộ. Đó cũng có thể là một điệu múa mang đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Sự tự tin xuất hiện mọi nơi, trên bàn Hội nghị, trong những cuộc gặp gỡ giao lưu quốc tế hoặc đơn giản có thể chỉ là giữa giảng đường ở các trường Đại học tự tin khẳng định trí tuệ, lịch sử của dân tộc Việt thì đó cũng làm tròn sứ mệnh ngoại giao Việt Nam. Ai cũng có thể hoàn thành nó, dù ở vị trí nào.
Giáo sư đặt ra một câu hỏi rất giản dị về tính dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là đúng đắn hay sai lầm. Theo đó, những lập luận chặt chẽ, với những thực tiễn của lịch sử phát triển của các dân tộc lớn, nhỏ trên thế giới cho thấy, chủ nghĩa dân tộc là cần thiết vì nó là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Một công dân không thể không yêu, không thể không tự hào về quốc gia, dân tộc mình. Nhờ có tình yêu ấy mới giúp cho mỗi cá nhân có thể đóng góp lớn nhất trí tuệ và công sức của mình cho đất nước. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi lại là nguồn gốc của chiến tranh, của những xung đột và là đe dọa đối với hòa bình của nhân loại
GS.TS Thái Kim Lan cho rằng ở Việt Nam tư tưởng về độc lập dân tộc được thể hiện có lập luận chặt chẽ với những luận cứ rõ ràng tính từ thời nhà Lý khi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” trên sông Như Nguyệt – được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. GS.TS Thái Kim Lan đồng tình và nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam có tính tích cực, không chỉ bảo vệ bản sắc văn hóa mà còn khẳng định quyền tự chủ của dân tộc.
Các bạn Sinh viên Học viện Ngoại giao hào hứng khi trả lời câu hỏi của Giáo sư
Bên cạnh chủ nghĩa dân tộc và những vấn đề dân tộc, GS.TS Thái Kim Lan đã giới thiệu về bức tranh tôn giáo trên thế giới và châu Âu với sự đa dạng, phong phú của các tôn giáo. GS Lan cho thấy một châu Âu bao dung và tôn trọng về sự khác biệt trong niềm tin tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Một sự thật thú vị được bà chia sẻ đó là Phật giáo ngày càng hiện diện và có ảnh hưởng lớn đến xã hội châu Âu, đặc biệt ở Pháp, Đức, ... điều đó cho thấy sự chuyển dịch tôn giáo không chỉ theo chỉ theo chiều từ Âu sang Á mà còn theo chiều hướng ngược lại.
GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong 30 năm giảng dạy tại Đức, khuyến khích sinh viên trẻ hãy mạnh dạn tự tin, dám nghĩ dám làm để tạo nên sự khác biệt. Những lời chia sẻ chân thành của Giáo sư đã truyền cảm hứng cho sinh viên, khuyến khích các em phát triển tư duy sáng tạo, bản lĩnh quốc tế.
Buổi trò chuyện không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu hơn về các vấn đề thời sự quốc tế, mà còn khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tinh thần tự chủ, độc lập, trong hội nhập quốc tế cũng như trong quá trình học tập phấn đấu tại Học viện Ngoại giao để hòa nhập nhưng không hòa tan trong dòng chảy văn hóa của nhân loại, từ đó có thể khẳng định hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.