Toạ đàm về Trung Quốc lần thứ 23: “Tương lai trật tự thế giới: Quan điểm của Trung Quốc”

16:52 26/04/2024

Tiếp nối thành công của chuỗi Tọa đàm China Talk, ngày 24/4/2024, Học viện Ngoại giao phối hợp với Qũy Konrad-Adenauer-Stifung (KAS) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về Trung Quốc lần thứ 23 (China Talk 23) với chủ đề “Tương lai trật tự thế giới: Quan điểm của Trung Quốc” theo hình thức trực tiếp tại Học viện Ngoại giao. TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện ngoại giao chủ trì Tọa đàm.

Diễn giả chính của Tọa đàm là GS. Dương Khiết Miễn, cùng hai chuyên gia bình luận là Đại sứ Đặng Đình Qúy, Nguyên Thứ tưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cố vấn Học viện Ngoại giao và  Đại sứ Dino Patti Djalal, Người sáng lập Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia. Tọa đàm về Trung Quốc lần 23 đã thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu. China Talk 23 tiếp tục tiếp nối thành công của 22 kỳ Tọa đàm trước đây, gây tiếng vang về nội dung và nâng cao mức độ uy tín của chuỗi hoạt động kênh 2 này.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao hoan nghênh sự tham dự của GS. Dương Khiết Miễn với tư cách là diễn giả chính của Tọa đàm. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu Trung Quốc trong công tác của Học viện Ngoại giao. Những năm qua Học viện Ngoại giao vẫn luôn tìm cách kết nối với các nhà Trung Quốc học trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật, tăng cường nghiên cứu Trung Quốc để có cái nhìn một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện Qũy KAS Việt Nam đánh giá cao vai trò của Học viện Ngoại giao trong phối hợp với Qũy KAS tổ chức chuỗi Tọa đàm China Talk thường niên, đồng thời nhấn mạnh tính thời sự của buổi Tọa đàm lần này.

Dương Khiết Miễn (Yang Jiemian) là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn học thuật Viện Nghiên cứu các vấn đề Quốc tế Thượng Hải (SIIS). Đồng thời, ông cũng là thành viên Nhóm Tư vấn chính sách đối ngoại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Nhóm Đánh giá Quỹ khoa học xã hội Trung Quốc, và Nhóm Đánh giá Dự án Khoa học Xã hội của Bộ Giáo dục Trung Quốc; ông cũng là thành viên Hội đồng các nhân vật nổi bật của Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), thành viên Ủy ban hữu nghị, hòa bình và phát triển Trung -Nga, Giám đốc Viện Ngoại giao nhân dân Trung Quốc. Trong giảng dạy, GS. Dương Khiết Miễn hiện là cố vấn, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Kinh, Đại học Phúc Đán. Ông là tác giả (và đồng tác giả) khoảng 20 cuốn sách và nhiều bài báo về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Tại Tọa đàm, GS. Dương Khiết Miễn nhấn mạnh đường lối chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc là tuân theo hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc làm trung tâm và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Thông qua các sáng kiến toàn cầu gồm Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) cùng hệ thống các tổ chức đa phương mới nổi, Trung Quốc đẩy mạnh thực thi chủ nghĩa đa phương, từ đó nỗ lực xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai với các giá trị về hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do. GS. Dương Khiết Miễn cũng phân tích cách tiếp cận, sự tương tác của Trung Quốc trong trật tự thế giới hiện nay, đồng thời chỉ ra các cách thức của Trung Quốc trong thúc đẩy một tương lai tốt đẹp hơn cho trật tự thế giới. GS. Dương cũng cho rằng các quốc gia cần học hỏi lẫn nhau để xây dựng tầm nhìn chung cho tương lai, trong đó: (i) Cần cân bằng lợi ích quốc gia với lợi ích trong khu vực và trên thế giới, (ii) Hiểu rằng các nước đều có cơ hội tăng cường tiếng nói và phạm vi ảnh hưởng quốc tế, (iii) Nhận thức được thế giới đang không ngừng thay đổi, đặc biệt hướng tới các giá trị và đời sống tự do và (iv) ASEAN cần có tầm nhìn chung về Châu Á, trong đó hiện nay ASEAN đã rất thành công trong thúc đẩy hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực.

Trong phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Qúy và Đại sứ Dino Patti Djalal đã đưa ra một số nhận định về tình hình chính trị quốc tế hiện nay và vị trí của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó hai diễn giả đều nhấn mạnh hòa bình, thịnh vượng, bền vững và phát triển bao trùm là những giá trị cốt lõi cần tiếp tục thúc đẩy trong hệ thống đa phương. Nhân tố tác động đến trật tự quốc tế trong tương lai chính là sự thay đổi trong tương quan lực lượng hiện nay giữa các nước lớn. Khu vực Đông Nam Á vì thế cần cởi mở và tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước trên thế giới không chỉ nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, mà còn hướng tới chung tay giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống.

Chuỗi Tọa đàm China Talk là một dự án hợp tác dài hạn và thành công giữa Học viện Ngoại giao và Qũy KAS được tổ chức 2 lần/năm, China Talk giúp mở ra mạng lưới kết nối các học giả, các nhà ngoại giao, chuyên gia nghiên cứu quan tâm đến chủ đề về Trung Quốc tại Việt Nam và quốc tế. Thông qua trao đổi với diễn giả nước ngoài tại Tọa đàm, quan điểm của học giả Việt Nam nghiên cứu về Trung Quốc có cơ hội được đưa ra nhìn nhận, đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh cách tiếp cận, từ đó ghi dấu ấn Việt Nam trong bản đồ nghiên cứu Trung Quốc học trên thế giới.

Một số hình ảnh của Tọa đàm:

Nguyễn Thị Việt Mỹ

Cùng chuyên mục