Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu

09:13 15/12/2020

Là một trong những cơ quan tư vấn về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế hàng đầu của Việt Nam và có uy tín trong khu vực, Học viện Ngoại giao xác định việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác và mở rộng mạng lưới đối tác nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao ghi rõ tại Điều 2, điểm 1, mục d: “Hợp tác, trao đổi học thuật với các trường Đại học, Học viện, viện, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao”. Thực hiện nhiệm vụ đó, trong những năm qua, quy mô các hoạt động hợp tác và đối tác quốc tế về nghiên cứu khoa học của Học viện Ngoại giao ngày càng gia tăng.

Học viện Ngoại giao đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động kênh 2 giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế, chủ trì tổ chức, phối hợp tổ chức và tham gia nhiều Nhóm nghiên cứu chung và hội thảo quốc tế trong khuôn khổ các mạng lưới hợp tác nghiên cứu của khu vực và quốc tế như Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP), Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ASEAN (ASEAN-ISIS), Mạng lưới các viện nghiên cứu Đông Á (NEAT), Mạng lưới các viện nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT), Trung tâm nghiên cứu toàn cầu về Mê Công (GCMS), Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC).

Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã ký kết hơn 20 bản ghi nhớ về hợp tác và thiết lập nhiều cơ chế thăm viếng, trao đổi định kỳ với các cơ quan nghiên cứu chính

sách hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Các đối tác chủ chốt của Học viện gồm: Học viện Ngoại giao Lào (IFA), Viện các vấn đề quốc tế đương đại và Viện Quan hệ Quốc tế (Trung Quốc), Quỹ châu Á - New Zealand (New Zealand), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ mới, Viện Heritage, Viện Brookings (Mỹ), Viện Nghiên cứu biển của Malaysia (MIMA), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS), Viện RUSI, Chatham House (Anh), Viện Quan hệ quốc tế Nhật Bản (JIIA), Học viện Ngoại giao Lào (IFA), Viện Hòa bình và Hợp tác Campuchia (CICP), Viện Lowy (Australia), Viện Nghiên cứu Quốc tế Ấn Độ Vivekananda (VIF), Trung tâm nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Israel, Quỹ Konras Adenauer Stiftung (KAS)...

Nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về nghiên cứu của Học viện rất đa dạng, phong phú, bao quát các vấn đề từ quan hệ quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, pháp lý, đến các vấn đề toàn cầu, hội nhập quốc tế và chính sách đối ngoại. Trong nghiên cứu về Biển Đông, với vai trò là đầu mối triển khai các hoạt động ngoại giao chính thức và không chính thức (kênh 2) trong vấn đề Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Hội Luật gia và Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông thường niên từ năm 2009, trở thành diễn đàn học thuật uy tín cả ở trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, Học viện cũng duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi học thuật, tạo dựng và kết nối với cộng đồng học giả quốc tế quan tâm tới Biển Đông, giúp cộng đồng quốc tế có thông tin cập nhật và hiểu rõ hơn về các khía cạnh khác nhau của vấn đề Biển Đông.

Các nghiên cứu viên, giảng viên trong Học viện tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu chung với các cơ quan nghiên cứu, học giả uy tín quốc tế. Sản phẩm của các hoạt động nghiên cứu chung là sách, chương sách, bài báo khoa học công bố trên các tạp chí và tại các nhà xuất bản quốc tế có uy tín, qua đó góp phần khẳng định và nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ, vị thế của Học viện trong cộng đồng nghiên cứu ở khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương.

Học viện cũng chú trọng phát triển hợp tác với các đối tác quốc tế để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, thiết lập cơ chế chuyên trách (Ban phát triển nghiên cứu khoa học trong sinh viên, Ban phát triển kỹ năng học thuật) để làm đầu mối hợp tác hỗ trợ sinh viên có thêm cơ hội tham gia các hoạt động học thuật chất lượng cao. Theo đó, số lượng và chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ sinh viên ngày càng được nâng cao như ký văn bản ghi nhớ với quỹ KAS về Cuộc thi viết về Hội nhập ASEAN năm 2018 và hoạt động mô phỏng về Hội nhập ASEAN năm 2019, ký văn bản ghi nhớ với KAS Singapore về dự án Kết nối An ninh ASEAN, phối hợp với Đại học Tokyo (Nhật Bản) về Dự án nghiên cứu so sánh quan hệ giữa các nước châu Á với Trung Quốc, phối hợp AKC tổ chức cuộc thi viết về quan hệ ASEAN - Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Học viện cũng có quan hệ đối tác, hợp tác nghiên cứu với hầu hết Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội, đặc biệt là các nước lớn và các đối tác chủ chốt, chiến lược của Việt Nam.