TS. Phạm Lan Dung tham dự Đối thoại về Di sản Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Mỹ
Ngày 13-15/9/2023, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại Thường niên về Hậu quả Chiến tranh và Hòa bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ hai tại Washington, DC, Mỹ do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức.
Đối thoại có sự tham dự của gần 150 đại biểu là các quan chức, chính trị gia, học giả - chuyên gia và đại diện các tổ chức phi chính phủ từ Việt Nam, Lào, Campuchia và Mỹ. Nội dung Đối thoại tập trung vào các nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh và tác động với quá trình thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, gồm nhiều phiên họp về các vấn đề như tìm kiếm hài cốt cựu binh, giảm thiểu tác động của chất độc màu da cam, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và về các biện pháp xây dựng hòa bình thông qua văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và kết nối liên thế hệ...
Phát biểu trong Phiên Bế mạc tại Đối thoại cùng Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, TS. Phạm Lan Dung cho rằng giáo dục tiếp tục đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình hàn gắn trong tương lai. Giáo dục giúp thúc đẩy nhận thức chung về lịch sử quan hệ Việt – Mỹ và chiến tranh Việt Nam, nhất là khi các nội dung này chưa được quan tâm đúng mực tại các chương trình đào tạo phổ thông tại Mỹ (ước tính, vào thập niên 90, một học sinh lớp 11 tại California chỉ dành 1-2 tuần học về Chiến tranh Việt Nam; sách giáo khoa Mỹ ít chú trọng vào hậu quả chiến tranh với phía Việt Nam). Ngoài ra, giáo dục cũng khuyến khích các ý tưởng mới để hai bên giải quyết các vấn đề hậu chiến, đồng thời củng cố kết nối nhân dân hai nước, từ đó tạo môi trường thuận lợi để hai bên tiếp tục hàn gắn. Đây cũng là một trong những định hướng hai nước đã thống nhất theo đuổi trong Tuyên bố chung Việt – Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden tháng 9/2023.
Bên cạnh TS. Phạm Lan Dung, đoàn Học viện tham gia các phiên họp tại Đối thoại bao gồm TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng, Viện nghiên cứu Chiến lược và ThS. Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông.
Tại Đối thoại, đại diện các giới tại Mỹ đều cho rằng hàn gắn thời hậu chiến vẫn là quan tâm của Mỹ hiện nay. TS. Lisa Grande, Chủ tịch USIP cho biết hàn gắn Việt – Mỹ là quá trình hàn gắn kéo dài nhất thế giới (50 năm) và sẽ còn tiếp tục, có thể làm tấm gương cho các quá trình hàn gắn khác. Tim Rieser, Trợ lý của cựu Thượng nghị sĩ Patrick Laehy, cho rằng giải quyết hậu quả chiến tranh là trung tâm của hợp tác sau chiến tranh giữa hai nước. Phó Trợ lý Samantha Brown cho rằng biết Mỹ ngày càng coi trọng việc khắc phục hậu quả chiến tranh, không chỉ với Việt Nam mà với cả Lào và Campuchia. Thượng Nghị sĩ Jeff Merkey cho biết hàn gắn vừa giúp chữa lành các thương tích chiến tranh, vừa giúp tạo động lực trong hợp tác quốc tế.
Cũng tại đây, các quan chức lập pháp và hành pháp Mỹ đều đánh giá tích cực về việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. TS. Mira Rapp-Hoopper, Trợ lý Tổng thống Biden kiêm Giám đốc Cấp cao về Đông Á, Hội đồng An ninh Quốc gia coi đây là bước tiến trong quan hệ song phương, đóng góp cho quá trình hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực cũng như toàn cầu. Thượng Nghị sĩ Jeff Merkey cho biết việc nâng cấp là bước chuyển đột phá trong quan hệ từ khi hai nước bình thường hóa, được lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ ủng hộ. Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Samantha Brown minh chứng cho thấy các nước vừa có thể hướng tới tương lai, vừa bày tỏ tôn trọng với quá khứ.
USIP là cơ quan nghiên cứu do Quốc hội Mỹ thành lập, có mục đích ngăn ngừa và giải quyết các xung đột diễn ra trên thế giới. Trong thời gian qua, USIP có nhiều hợp tác với Học viện Ngoại giao, bao gồm ký Bản ghi nhớ chung về hợp tác vào tháng 11/2022 và tổ chức Đối thoại về hậu quả chiến tranh và hàn gắn vào tháng 7/2023. Các hoạt động góp phần hiện thực hoá mong muốn và cam kết của Quốc hội Mỹ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vấn đề này./.
Bài: Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông; Ảnh: Pepe Gomez, Pixelme Studio