Quy tắc ứng xử dành cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh năm 2024
Chương I
CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1. Mục đích
- Quy tắc ứng xử dành cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao bao gồm các quy định của Học viện trong việc duy trì, lan tỏa các giá trị đạo đức tốt đẹp, các chuẩn mực ứng xử cần được đề cao trong cộng đồng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh khi làm việc, học tập, tham gia hoạt động tại Học viện.
- Quy tắc này đề cập tới những yếu tố nền tảng tạo nên môi trường học tập văn minh, tiến bộ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Ngoại giao. Mỗi cá nhân sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đang làm việc, học tập tại Học viện đều có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu này cùng với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Học viện. Các nội dung được nêu trong Quy tắc này là cơ sở để xem xét khen thưởng và tiến hành xử lý các vi phạm trong ứng xử của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
- Quy tắc ứng xử được áp dụng cho toàn thể sinh viên hệ đại học chính quy, các chương trình liên kết đào tạo, sinh viên trao đổi có quốc tịch Việt Nam và nước ngoài tại Học viện Ngoại giao, học viên cao học, nghiên cứu sinh (sau đây sẽ gọi chung là Người học).
- Quy tắc này cần được tuân thủ trong khuôn viên Học viện Ngoại giao và tại các cơ quan, tổ chức, địa điểm nơi Người học tới làm việc, tham dự các hoạt động dưới danh nghĩa Người học của Học viện.
Điều 3. Các nguyên tắc cốt lõi trong ứng xử
Các nguyên tắc ứng xử được liệt kê dưới đây là những yếu tố cốt lõi cần được tuân thủ trong các tình huống ngay cả khi đã có hoặc chưa có các quy định cụ thể điều chỉnh. Người học cần có ý thức:
- Đề cao tinh thần yêu nước, trung thành với Đảng, luôn có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc;
- Tuân thủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Học viện;
- Đảm bảo sự liêm chính, trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học;
- Đề cao tính nhân văn, vị tha và tương trợ lẫn nhau;
- Đối xử và được đối xử công bằng, tôn trọng sự khác biệt;
- Có thái độ tích cực, lắng nghe trong giao tiếp với thầy cô, Người học khác;
- Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt và các ngoại ngữ) một cách trong sáng, phù hợp ngữ cảnh và đối tượng tiếp nhận;
- Nỗ lực đóng góp cho sự tiến bộ chung của cộng đồng;
- Nâng cao tinh thần tiết kiệm, bảo vệ tài sản chung.
Chương II
CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG TRONG ỨNG XỬ
Điều 4. Tuân thủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Học viện
Người học cũng đồng thời là một công dân với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, Người học cần có ý thức:
- Chấp hành đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, của Nhà nước, quy định của Học viện;
- Chủ động tìm hiểu và cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định liên quan tới quyền và nghĩa vụ của Người học tại Học viện;
- Góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Điều 5. Ứng xử trước các vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo
Được đào tạo bài bản và chuyên sâu về các vấn đề chính trị - xã hội, Người học tại Học viện Ngoại giao cần trở thành những tấm gương trong ứng xử trước các vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo nảy sinh trong đời sống. Vì vậy, Người học cần có ý thức:
- Đề cao tinh thần yêu nước, trung thành với Đảng, lấy nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc làm kim chỉ nam cho các hành động của bản thân;
- Cảnh giác, đấu tranh trước những luận điểm sai trái, tin giả, hành động có mục đích gây chia rẽ, thù địch;
- Tìm hiểu thông tin kỹ càng, từ các nguồn đáng tin cậy, có phương pháp luận khoa học khi tiếp cận, phân tích một vấn đề;
- Bày tỏ ý kiến một cách khách quan, đúng sự thật, có tính xây dựng;
- Góp phần nâng cao sự hiểu biết của những người xung quanh bằng việc cung cấp các nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng.
Điều 6. Ứng xử trong học thuật
Các hoạt động học thuật là công tác trọng tâm của một cơ sở giáo dục đại học. Học viện luôn chú ý đề cao, duy trì ở mức cao nhất sự liêm chính trong các hoạt động học thuật. Người học cần có ý thức:
- Tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật và của Học viện;
- Có thái độ trung thực trong công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện các bài tập, bài thi, thực tập, chia sẻ các thông tin khoa học;
- Không thi hộ, thi kèm, có các hành vi gian lận trong thi cử;
- Không tự ý sao chép hoặc sử dụng, chia sẻ dưới mọi hình thức các ấn phẩm, tài liệu (bản cứng và bản mềm) bị sao chép trái phép;
- Trực tiếp lên tiếng hoặc thông báo với đơn vị phụ trách (Khoa, Ban Đào tạo) khi phát hiện có các hành vi gian lận, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Phát triển đam mê tìm tòi, sáng tạo những kiến thức mới.
Điều 7. Ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
Trong quá trình làm việc, học tập, tương tác với cán bộ, giảng viên, nhân viên, đối tác và những người học khác của Học viện, Người học cần có ý thức:
- Đề cao cách tiếp cận nhân văn, vị tha trong giao tiếp, xử lý các vấn đề chung cũng như trong các mối quan hệ cá nhân tại Học viện;
- Tôn trọng sự khác biệt về quốc tịch, văn hóa, tôn giáo, giới tính, đặc điểm cơ thể, trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế, thói quen, quan điểm của mỗi cá nhân Người học;
- Chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;
- Tránh công kích cá nhân khi có bất đồng; Hình thành thói quen bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều chiều khi giao tiếp; Có thái độ tích cực, xây dựng khi trình bày ý kiến, quan điểm về một vấn đề, cá nhân khác;
- Sử dụng từ ngữ lịch sự, chuẩn mực, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp; Không nói tục khi giao tiếp trực tiếp và trên môi trường trực tuyến;
- Sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, bệnh tật, tai nạn;
- Chia sẻ những giá trị tốt đẹp, những tấm gương, câu chuyện tử tế trong cuộc sống;
- Tôn trọng, lễ phép trong giao tiếp với cán bộ, giảng viên, nhân viên và khách mời của Học viện.
Điều 8. Ứng xử trên môi trường trực tuyến
Môi trường trực tuyến tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng kết nối với các cá nhân khác, thể hiện quan điểm riêng nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nếu không được sử dụng đúng cách. Người học cần có ý thức:
- Tuân thủ các quy định về luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và các quy định khác của pháp luật;
- Tuân thủ các quy định về sử dụng các nền tảng trực tuyến, cơ sở dữ liệu điện tử do Học viện cung cấp;
- Bảo vệ dữ liệu trực tuyến cá nhân của bản thân, Người học khác và của Học viện;
- Không tự sản xuất, chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả;
- Không phổ biến các thông tin chưa xác định nguồn gốc, ẩn danh, mang nội dung độc hại, tiêu cực, các thông tin có mục đích gây chia rẽ, bôi nhọ, công kích hình ảnh các tổ chức, đơn vị, cán bộ, giảng viên, nhân viên, cá nhân trong và ngoài Học viện;
- Việc lập các trang, hội, nhóm trên các nền tảng trực tuyến dưới danh nghĩa Học viện, Người học của Học viện, sử dụng logo, hình ảnh của Học viện hoặc các đơn vị trong Học viện cần có sự cho phép của Học viện.
Điều 9. Sử dụng cơ sở vật chất tại Học viện
Cơ sở vật chất của Học viện là tài sản công được Nhà nước cung cấp hoặc do Học viện trang bị, hoặc từ các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và bồi dưỡng. Người học cần có ý thức:
- Chú ý giữ gìn trang thiết bị, làm đúng theo các hướng dẫn về sử dụng, bảo quản tài sản do Học viện hoặc cán bộ, nhân viên phụ trách cung cấp đối với từng loại nhất định;
- Khi phát hiện tài sản có hỏng hóc, hư hại hoặc không đảm bảo an toàn đối với người dùng, Người học cần có ý thức nhanh chóng thông báo tới phòng Quản trị - Tài vụ để có biện pháp xử lý kịp thời;
- Khi phát hiện có cá nhân cố tình phá hoại tài sản chung, Người học cần nhắc nhở, ngăn chặn hoặc thông báo với tổ bảo vệ hoặc phòng Quản trị - Tài vụ, Ban Đào tạo để ngăn chặn và xử lý;
- Sử dụng điện, nước một cách tiết kiệm. Nhận thức rằng đây là các nguồn tài nguyên chung của xã hội, Người học cần có ý thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
- Ưu tiên sử dụng thang bộ. Chỉ nên sử dụng thang máy khi di chuyển nhiều tầng.
Điều 10. Một số vấn đề khác về ứng xử
Người học cần có ý thức:
- Đeo thẻ sinh viên trong suốt quá trình ra vào và học tập tại Học viện;
- Tôn trọng cam kết về sự có mặt, giờ giấc, trang phục và các nghĩa vụ đóng góp khác khi khẳng định tham gia một sự kiện, hoạt động hoặc một công việc chung;
- Lựa chọn quần áo, phong cách ăn mặc lịch sự, phù hợp với môi trường học tập và các sự kiện, hoạt động khi tham gia;
- Không hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, sử dụng rượu bia, chất kích thích tại Học viện;
- Khi muốn góp ý hoặc gặp vấn đề cần phản ánh trong quá trình học tập, sinh hoạt tại Học viện, Người học trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với các phòng ban có trách nhiệm để nhận được sự tư vấn và giải quyết chính xác, kịp thời;
- Có ý thức bảo vệ hình ảnh, danh tiếng của Học viện và cộng đồng Người học của Học viện trước những thông tin sai lệch, phục vụ lợi ích cá nhân và tổ chức khác.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Văn phòng, Ban Đào tạo, các Khoa, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên
- Văn phòng, Ban Đào tạo, các Khoa, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Học viện có trách nhiệm phổ biến nội dung Quy tắc này đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Người học trong Học viện được biết và thực hiện;
- Ban Đào tạo, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Học viên có biện pháp cụ thể nhằm tuyên truyền, phát động phong trào thi đua thực hiện trong toàn Học viện, góp phần xây dựng môi trường giáo dục văn minh, hiện đại.
Điều 12. Người học
- Toàn thể Người học tại Học viện đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đồng thời vận động, nhắc nhở Người học khác thực hiện nghiêm túc những nội dung trong Quy tắc ứng xử.
- Khi cần phản ánh những thông tin có liên quan trong quá trình thực hiện, Người học có thể gặp và báo cáo trực tiếp với người có trách nhiệm (Ban Giám đốc, Văn phòng, Ban Đào tạo, các Khoa…).
Các thông tin phản ánh sẽ được báo cáo Ban Giám đốc và chuyển đến các đơn vị có liên quan để kiểm tra và giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 13. Khen thưởng, kỷ luật
- Hội đồng Thi đua, Khen thưởng và Kỷ luật của Học viện; Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật sinh viên phối hợp cùng Văn phòng, Ban Đào tạo, các Khoa, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên kịp thời tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm.
- Kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử là một trong những tiêu chí để bình xét điểm rèn luyện đối với Người học.
- Người học vi phạm Quy tắc này ở từng mức độ sẽ được xem xét và xử lý theo pháp luật, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Ngoại giao và các quy định khác của Học viện.
Cụ thể văn bản gốc: TẠI ĐÂY