Thông tin về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Nước

21:41 11/05/2023

Sáng ngày 10/5/2023, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Hà Nội tổ chức buổi Thông tin về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 (Viêng Chăn, Lào 2-5/2023) và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Nước (New York, Mỹ, 22-24/3/2023).

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu, Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass (trái) và TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (phải)
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu, Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass (trái) và TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (phải)

Sự kiện thu hút khoảng 70 đại biểu, bao gồm đại diện đến từ các Đại sứ quán, Bộ, ngành, viện nghiên cứu, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Học viện Ngoại giao và các chuyên gia,  cố vấn của Học viện Ngoại giao. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn và ông Thomas Gass, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam đồng chủ trì; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự và phát biểu kết luận.

Tại phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện nhằm thông tin cho Đoàn Ngoại giao những kết quả quan trọng của hai hội nghị đa phương lớn về quản lý nguồn nước xuyên biên giới diễn ra tại Lào và Mỹ vừa qua cũng như những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong phát biểu chào mừng, Đại sứ Thụy Sỹ Thomas Gass nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quản lý nguồn nước xuyên biên giới vốn là mối quan tâm của nhân loại từ hàng ngàn năm nay. Đại sứ cũng đặc biệt đánh giá cao tầm quan trọng của Tiểu vùng Mekong -  vùng sinh thái đặc biệt cung cấp sinh kế cho hơn 70 triệu người, cùng với đó là rất nhiều giá trị lịch sử văn hóa. Đại sứ hoan nghênh những kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 và khẳng định các đối tác phát triển luôn cam kết ủng hộ mạnh mẽ cho phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực Tiểu vùng Mekong.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam,  nguyên Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng hiện nay hợp tác quốc tế quản lý tài nguyên nước chưa tương xứng với cam kết của các bên do sự khác biệt lợi ích và ưu tiên. Từ góc độ của mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam luôn thúc đẩy nỗ lực chung nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Toàn cảnh Đối thoại

Các diễn giả đến từ Bộ Ngoại giao, Ủy hội sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài Nguyên Môi trường, Đại sứ quán Thụy Sỹ đã chia sẻ những kết quả cụ thể đạt được tại hai sự kiện quan trọng trên. Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong lần thứ 4 nêu bật việc ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong quản lý nguồn nước, tiếp tục hướng tới một khuôn khổ quản lý chung của khu vực về nước và thiết lập cơ chế bổ sung nguồn lực hợp tác phát triển...  Hội nghị của Liên Hợp Quốc về nước nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn thiện các khung khổ hợp tác, tăng cường triển khai các cam kết tự nguyện, tiếp tục lồng ghép chủ đề nước vào các diễn đàn quốc tế liên quan, củng cố vai trò của của cơ quan UN-Water...

Các đại biểu tham dự Đối thoại

Các đại biểu tích cực tham gia đóng góp ý kiến, bình luận và đặt nhiều câu hỏi cụ thể về kết quả của hai hội nghị như: nhu cầu cải cách khung pháp lý, vai trò của các bên đối thoại, thúc đẩy vai trò của ASEAN trong vấn đề Mekong….

Trong phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định không thiếu các cơ chế hợp tác và các thỏa thuận về quản lý nguồn nước, nhưng mức độ cam kết và hành động thực tế của các nước còn nhiều khác biệt. Với Tiểu vùng Mekong, việc nhiều đối tác quan tâm vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức phải hài hòa các mối quan hệ, duy trì tự chủ. Thứ trưởng đề xuất  nguyên tắc “3C” cho hợp tác tiểu vùng Mekong, đó là: thúc đẩy hiểu biết (comprehension), duy trì hợp tác (cooperation) và điều phối hài hòa các cơ chế và đối tác (coordination). Thứ trưởng hoan nghênh ý tưởng tổ chức sự kiện của Đại sứ quán Thụy Sĩ và Học viện Ngoại giao và tin tưởng rằng mô hình đối thoại này sẽ góp phần mang đến nhiều ý tưởng và giải pháp hữu ích nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về quản lý nguồn nước./.

Anh Tuấn - Trà My

Cùng chuyên mục