Tìm giải pháp mới, bền vững cho An ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong

20:25 19/03/2024

Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng sông Mekong được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-19/3. Đây là sự kiện lần đầu tiên do Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Stimson tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Mekong-Mỹ (MUSP).

Tiến sỹ Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson phát biểu khai mạc.

Tham dự Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng Mekong trong khuôn khổ Đối tác Mekong - Mỹ, có các đại diện đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam, Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Stimson, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), đại diện các viện, cơ quan nghiên cứu đến từ các nước tiểu vùng sông Mekong cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội môi trường, viện nghiên cứu chuyên ngành, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu độc lập...

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao đã tham dự và phát biểu khai mạc.

Trao đổi ý kiến tại Phiên khai mạc, các đại biểu nhận định biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng khốc liệt đến mọi mặt đời sống của người dân khu vực sông Mekong, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thâm canh lúa, nuôi trồng và hệ sinh thái nước ngọt.

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao tham dự và phát biểu khai mạc.

Những tác động ngày càng rõ nét đó đang ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh lương thực, sinh kế của hàng chục triệu người dân sinh sống hai bên bờ sông Mekong. Đáng chú ý, những năm gần đây, người dân đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã cảm nhận được sự suy giảm môi trường hạ lưu sông Mekong.

Trước đây, dòng Mekong thường xuyên có lũ mạnh từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, mang theo lượng phù sa và lượng thủy sinh lớn cho cộng đồng dân cư khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, hạ lưu Mekong bắt đầu chứng kiến lũ yếu dần, chỉ còn xuất hiện trong khoảng hai tháng hoặc thậm chí không hề có lũ. Đất đai bị khô cằn và nhiễm mặn do nước biển xâm thực. Người dân đã phải khai thác nước ngầm cho nông nghiệp, dẫn đến sụt lún đất và xâm nhập mặn nhiều hơn.

Tổng Lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Susan Burns phát biểu tại Đối thoại.

Tại phiên toàn thể về hiện trạng, xu thế và các tác động của biến đổi khí hậu, đập thủy điện đối với nông nghiệp, sản lượng lúa và thủy sản của Tiểu vùng Mekong, các chuyên gia đánh giá chất lượng môi trường đang đi xuống và xu hướng di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm việc làm.

Do đó, để khắc phục những khó khăn về nhân lực và tăng sản lượng nông, thủy sản, người nông dân sử dụng nhiều loại hóa chất (thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc tăng trọng...) khiến môi trường đất và nước ngày càng ô nhiễm. Trong bối cảnh đó, việc hoạch định chính sách hiệu quả đòi hỏi sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, các học giả và nhà nghiên cứu để cùng tìm lời giải cho các câu hỏi đầy thách thức này.

Các đại biểu tham dự Đối thoại về "Nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh lương thực" .

Tám phiên thảo luận chuyên đề song song đã tập trung vào việc đề xuất các giải pháp bền vững về cải tạo đất, giống lúa mới, phương pháp canh tác, nuôi trồng đánh bắt thủy sản bền vững. Các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp dựa trên công nghệ mới và giải pháp bền vững nhằm thích ứng tối đa với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tối ưu nguồn nước.

Nhìn chung, các đại biểu chia sẻ cần có quyết tâm cao ở cấp lãnh đạo và sự tham gia tích cực của người dân, cách tiếp cận liên ngành, đa chủ thể, đối tác công tư, hợp tác quốc tế và tận dụng những đột phá của khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Tiến sỹ Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao điều hành phiên thảo luận chuyên đề. (Ảnh: Anh Tuấn)

Thành công của Đối thoại chính sách về “Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực” ở Tiểu vùng Mekong trong khuôn khổ Đối tác Mekong - Hoa Kỳ (MUSP) lần thứ tám lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy đối thoại, hợp tác vì phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm ở Tiểu vùng Mekong.

Từ Tuấn

Cùng chuyên mục