Tọa đàm “Về tầm quan trọng của công tác Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao đối với Bộ Ngoại giao”
Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 – 28/8/2025) cũng như chương trình nghiên cứu để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chiều ngày 28/2/2024, Học viện Ngoại giao, tổ chức Tọa đàm khoa học “Tầm quan trọng của công tác Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao đối với Bộ Ngoại giao”.
Tọa đàm nhận được sự tham dự của nhiều thế hệ cán bộ tham gia công tác Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao của Bộ Ngoại giao từ trước đến nay, bao gồm nguyên lãnh đạo Bộ, các chuyên gia, học giả, đại sứ và nhà nghiên cứu. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì Tọa đàm.
Tại phát biểu chào mừng, TS. Nguyễn Thị Thìn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển mang tính “tiên phong, toàn diện, hiện đại” của ngành ngoại giao, công tác nghiên cứu lịch sử và truyền thống ngoại giao đã góp phần xây dựng và làm giàu thêm những trang sử vẻ vang của toàn Ngành. Để có được đóng góp đó, công tác nghiên cứu lịch sử và truyền thống Ngoại giao luôn được các thế hệ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm, chỉ đạo sát sao, đặt nền tảng vững chắc từ nhiều năm trước. Với vai trò hiện là đầu mối công tác về lịch sử và truyền thống Ngoại giao của Bộ Ngoại giao hiện nay, Học viện luôn ưu tiên bố trí mọi nguồn lực để bảo đảm các công việc từ trước đến nay được triển khai đồng bộ, bảo đảm gắn bó chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy lịch sử và truyền thống cho thế hệ trẻ. Việc tổ chức Tọa đàm lần này thể hiện mong muốn và quyết tâm của Học viện trong việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, học giả về phát huy hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Trong gần bốn giờ làm việc, các đại biểu đã cùng nhìn lại chặng đường vẻ vang gần 80 năm qua của Ngoại giao Việt Nam với những sự kiện lịch sử rất đỗi tự hào, hình thành bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam. Các ý kiến phát biểu thống nhất khẳng định, trong bất cứ giai đoạn nào, từ thời ngoại giao của cha ông thủa chưa lập nước đến ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh với những cột mốc lịch sử chói lọi hay ngoại giao hiện đại phụng sự Đảng, đất nước, nhân dân, Ngoại giao Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ với lịch sử của đất nước, lịch sử của dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, Công tác về Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao, được xem như là sợi dây gắn kết quá khứ - hiện tại - tương lai, có vai trò rất đặc biệt, cần được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Để góp phần phát huy tốt giá trị của Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao trong thời gian tới, với tinh thần trao đổi thẳng thắn, các chuyên gia, nhà khoa học, những cán bộ lâu năm trong Bộ đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác về Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao hiện nay. Trên cơ sở đó, các giải pháp, ý tưởng được đưa ra về vấn đề cơ chế, nhân lực và các nguồn lực khác đã mở ra những cơ hội và hướng đi mới nhằm đưa công tác Lịch sử và Truyền thống Ngoại giao của Bộ Ngoại giao ngày càng khoa học, chuyên nghiệp và hiện đại. Trong đó, các chuyên gia, đại sứ, cán bộ lâu năm và đại diện các đơn vị chức năng trong Bộ cũng đóng góp nhiều ý kiến có giá trị để đưa công tác tổng kết lịch sử ngoại giao gắn với công tác nghiên cứu lý luận về ngoại giao, gắn với công tác đào tạo, giảng dạy về lịch sử và truyền thống Ngoại giao trong Học viện Ngoại giao nói riêng và Bộ Ngoại giao nói chung.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hoan nghênh Học viện Ngoại giao đã kịp thời tổ chức một diễn đàn thực chất, ý nghĩa về một trong những công tác quan trọng của Bộ. Thứ trưởng cho biết kết quả của cuộc Tọa đàm sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tổng kết, kế thừa kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu về lịch sử và truyền thống Ngoại giao Việt Nam thời gian trước đây, là cơ sở khoa học để tham mưu, kiến nghị chính sách cho Bộ trong thời gian tới, nhất là trong việc triển khai các công trình nghiên cứu, tổng kết về lịch sử Ngoại giao của Bộ. Ngoài ra, Tọa đàm còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về vai trò của công tác lịch sử và truyền thống Ngoại giao trong công tác xây dựng ngành, góp phần giáo dục và đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ và sinh viên Học viện Ngoại giao về tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất chính trị và tình yêu đối với ngành Ngoại giao./.