• Khoa kinh tế quốc tế
< >

Sinh viên khoa KTQT tìm hiểu về Hợp tác Kinh tế trên lưu vực sông Mê Công

09:45 13/04/2024

Vào sáng ngày 12/04/2024, tại phòng Geneva, Học viện Ngoại giao, Khoa Kinh tế Quốc tế đã tổ chức thành công buổi tọa đàm "Cơ chế Hợp tác Kinh tế trên lưu vực sông Mê Công trong khuôn khổ Hiệp định Mê Công 1995 và sự tham gia của Việt Nam". Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi TS. Phạm Tuấn Phan - Nguyên Giám đốc Điều hành Uỷ hội sông Mê Công.

 Tọa đàm "Cơ chế Hợp tác Kinh tế trên lưu vực sông Mê Công trong khuôn khổ Hiệp định Mê Công 1995 và sự tham gia của Việt Nam"

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Khoa Kinh tế Quốc tế, có sự hiện diện của: PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế; Đại sứ Tào Thị Thanh Hương - Nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Singapore, giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế ; ThS. Trần Thị Thùy Linh, ThS. Nguyễn Ngọc Hà - giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế, cùng đông đảo sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế - Học viện Ngoại giao.

Mở đầu tọa đàm, thông qua việc giới thiệu Ủy hội sông Mê Công và chia sẻ quá trình công tác của mình tại Ủy hội sông Mê Công, TS. Phạm Tuấn Phan đã mở ra một bức tranh tổng quan về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và vai trò của các nhà quản lý chính sách trong việc giải quyết các thách thức phát triển trên lưu vực sông Mê Công. TS. Phạm Tuấn Phan cũng chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, bài học về sự linh hoạt và thích ứng trong môi trường làm việc quốc tế tại Ủy hội. Những kinh nghiệm và bài học đó không chỉ là góc nhìn cá nhân mà còn là nguồn động viên và truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên.

Diễn giả - TS. Phạm Tuấn Phan chia sẻ tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, TS. Phạm Tuấn Phan đã trình bày những cơ hội phát triển hạ tầng và kết nối giữa các nước thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam) và các đối tác (Trung Quốc, Myanmar) trong lưu vực, những thách thức liên quan đến thể chế và quản trị giữa các cơ chế. Sự mâu thuẫn về lợi ích và đa dạng trong các quy định, chính sách giữa các quốc gia có thể tạo ra khó khăn trong việc đạt được thống nhất hoạt động hợp tác khu vực. 

Các sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế đặt câu hỏi cho diễn giả

Buổi tọa đàm khép lại với phần Q&A giữa các bạn sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế và TS. Phạm Tuấn Phan về những yếu tố ảnh hưởng đến tầm nhìn 2030 của Ủy hội sông Mê Công, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển bền vững tại hạ lưu sông Mê Công và cơ hội việc làm tại Ủy hội sông Mê Công. Kết thúc buổi tọa đàm, các bạn sinh viên đã cùng nán lại sân khấu để chụp những bức ảnh kỷ niệm với TS. Phạm Tuấn Phan cũng như gửi lời cảm ơn đến bác vì đã chia sẻ những kiến thức vô cùng hữu ích.

TS. Phạm Tuấn Phan chụp ảnh cùng giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế tại buổi tọa đàm
TS. Phạm Tuấn Phan và các thầy cô giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế (từ trái qua: TS. Nguyễn Minh Trang, TS. Nguyễn Thị Minh Phương, TS. Phạm Tuấn Phan (diễn giả), Đại sứ Tào Thị Thanh Hương, PGS. TS Nguyễn Văn Lịch, TS. Nguyễn Vinh Thành)

Một lần nữa, Khoa Kinh tế Quốc tế - Học viện Ngoại giao xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Phạm Tuấn Phan vì đã dành thời gian quý báu của mình để chia sẻ những kiến thức hữu ích đến các bạn sinh viên Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao. Khoa Kinh tế quốc tế kính chúc bác có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp của mình.

BTT KHOA KINH TẾ QUỐC TẾ

Cùng chuyên mục