Quy định về Hoạt động cộng đồng của sinh viên đại học chính quy năm 2024

09:00 17/04/2024

Phần I

CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

  1. Quy định này áp dụng cho toàn thể sinh viên đang theo học hệ đại học chính quy tại Học viện Ngoại giao.
  2. Các hoạt động cộng đồng do các đơn vị trong Học viện hoặc ngoài Học viện tổ chức.

Điều 2. Mục đích

  1. Xây dựng cho sinh viên tinh thần cống hiến vì lợi ích chung của xã hội, khuyến khích sinh viên sử dụng năng lực của mình để đóng góp vì sự phát triển chung, trở thành những công dân có ích;
  2. Tạo điều kiện cho sinh viên ứng dụng kiến thức lý thuyết và thực hành thông qua các hoạt động thực tế, giúp sinh viên phát triển những kỹ năng mềm cần thiết, nâng cao khả năng sáng tạo, góp phần tạo cơ hội nghề nghiệp tương lai cho sinh viên sau này;
  3. Là cơ sở đánh giá thái độ, năng lực, trình độ, kỹ năng của sinh viên trong triển khai các hoạt động thực tiễn, từ đó làm tham chiếu cho việc đánh giá kết quả đầu ra của các môn học và chỉnh sửa chương trình đào tạo.

Điều 3. Định nghĩa hoạt động cộng đồng

  1. Hoạt động cộng đồng (HĐCĐ) là những hoạt động, công việc được thực hiện nhằm đóng góp cho lợi ích chung, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra những sự thay đổi tích cực của cộng đồng và không vì lợi nhuận dưới mọi hình thức. Hoạt động do Học viện Ngoại giao, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên hoặc các chủ thể được công nhận khác tại Học viện tổ chức, hoặc do các Bộ, Ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức công, doanh nghiệp ngoài Học viện thực hiện.

Phục vụ cộng đồng (PVCĐ) là việc sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia vào một hoạt động nhằm góp phần giúp hoạt động đó đem lại những giá trị, tác động tích cực cho sự phát triển của cộng đồng. Sinh viên có thể tham gia trên cơ sở tự nguyện hoặc được huy động bắt buộc và không được trả lương.

2. Những hoạt động không được coi là HĐCĐ

Những hoạt động, chương trình, dự án thuộc các trường hợp sau sẽ không được coi là HĐCĐ:

- Được thực hiện theo yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo, bao gồm cả việc thực hiện các dự án, bài tập, yêu cầu do giảng viên giao;

- Có tính chất cá nhân, phục vụ lợi ích của sinh viên;

- Có trả lương đầy đủ cho người thực hiện, không bao gồm các khoản thù lao một phần (các khoản bồi dưỡng, trợ cấp nhằm hỗ trợ một phần chi phí cho người thực hiện);

- Có dấu hiệu vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định, nội quy của Học viện Ngoại giao, Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Học viện Ngoại giao;

- Làm tổn hại đến lợi ích chung, ảnh hưởng tới hình ảnh của cộng đồng;

- Được phát động, thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc quy định của Học viện hoặc tại khoản 3, Điều 3.

3. Đơn vị tổ chức HĐCĐ

HĐCĐ có thể do một đơn vị trong hoặc ngoài Học viện ngoại giao tổ chức.

a) Đơn vị tổ chức HĐCĐ trong Học viện bao gồm:

- Các đơn vị nằm trong cơ cấu tổ chức của Học viện theo Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao và các văn bản khác xác định cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao do Chính phủ, Bộ Ngoại giao hoặc Học viện Ngoại giao ban hành;

- Công đoàn Học viện Ngoại giao;

- Đoàn Thanh niên Học viện Ngoại giao bao gồm Ban chấp hành, các Liên chi đoàn, Chi đoàn;

- Hội sinh viên Học viện Ngoại giao bao gồm Ban chấp hành, các Liên chi hội, Chi hội, các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm trực thuộc;

- Các cơ chế nhân sự tạm thời hoặc thường xuyên khác được thành lập theo Quyết định của Lãnh đạo Học viện;

b) Đơn vị ngoài Học viện có tư cách pháp nhân và hoạt động hợp pháp theo quy định của Pháp luật.

4. Điểm HĐCĐ

Là mức quy đổi sang điểm từ việc PVCĐ của sinh viên dựa vào hệ thống quy đổi của Học viện nêu tại Phụ lục 1 Quy định này.

Điều 4. Nghĩa vụ phục vụ cộng đồng

  1. Sinh viên Học viện Ngoại giao có nghĩa vụ sử dụng năng lực cá nhân, kiến thức và kỹ năng đã được học trong chương trình đào tạo tại Học viện để phục vụ cộng đồng, xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần vì sự phát triển chung của cộng đồng xung quanh và toàn xã hội, góp phần củng cố triết lý giáo dục và các giá trị cốt lõi của Học viện.
  2. Sinh viên phải tích lũy và hoàn thành tối thiểu 60 điểm HĐCĐ trong quá trình học tập tại Học viện Ngoại giao. Thực hiện nghĩa vụ PVCĐ là một điều kiện xét tốt nghiệp bắt buộc đối với sinh viên Học viện.
  3. Các trường hợp được xem xét miễn, giảm thực hiện nghĩa vụ PVCĐ:

a) Công tác tổ chức HĐCĐ chung của Học viện hoặc xã hội không thể thực hiện được do thiên tai, dịch bệnh và các nguyên nhân bất khả kháng khác, kéo dài trong thời gian từ 3 tháng trở lên;
b) Sinh viên là người hưởng lương thuộc biên chế nhà nước được cơ quan cử đi học;
c) Sinh viên bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn dẫn đến việc bị hạn chế khả năng vận động hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe (có Giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên);
d) Sinh viên là người có quốc tịch nước ngoài;
e) Sinh viên gặp các trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến việc không có khả năng tham gia các HĐCĐ.

Mức giảm cụ thể do Giám đốc Học viện quyết định theo từng trường hợp.

Phần II

QUẢN LÝ VÀ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG CỦA SINH VIÊN

Điều 5. Nguyên tắc đánh giá  

1. Việc PVCĐ của sinh viên sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố:

- Số lượng HĐCĐ: số lượng các HĐCĐ mà sinh viên tham gia với các vai trò khác nhau trong quá trình học tập tại Học viện;

- Thời gian: sinh viên tham gia các HĐCĐ có quy mô khác nhau sẽ được đánh giá theo thời gian đóng góp cho các HĐCĐ này;

- Mức độ đóng góp: sinh viên tham gia đóng góp với vai trò và chất lượng khác nhau đối với mỗi HĐCĐ sẽ được đánh giá theo mức độ đóng góp;

- Quy mô và tác động của HĐCĐ: quy mô và tác động xã hội của các HĐCĐ sẽ không được xem xét như là một yếu tố đánh giá việc tham gia PVCĐ của sinh viên.

2. Tính tương đối trong số lượng điểm HĐCĐ được quy đổi

Việc lượng hóa đóng góp của sinh viên trong HĐCĐ nhằm xác định mức độ tối thiểu sinh viên cần hoàn thành nghĩa vụ PVCĐ. Việc lượng hóa này có tính tương đối do sự đa dạng về hình thức, nội dung và tác động của các hoạt động.

Điều 6. Cơ sở đánh giá  

1. Việc quy đổi điểm HĐCĐ sẽ được thực hiện dựa trên các minh chứng tham gia PVCĐ của sinh viên. Các minh chứng hợp lệ bao gồm:

a) HĐCĐ do các đơn vị trong Học viện tổ chức:

- Bằng Khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận do Học viện hoặc đơn vị có thẩm quyền cấp;

- Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận do BCH Công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên, BCH Hội sinh viên cấp;

- Giấy chứng nhận theo cá nhân hoặc tập thể về việc PVCĐ của sinh viên do đơn vị cấp, có chữ ký xác nhận của đơn vị;

- Giấy xác nhận theo mẫu tại phụ lục 3 của quy định này.

b) HĐCĐ do các đơn vị ngoài Học viện tổ chức:

- Bằng khen, Giấy khen hợp lệ về việc tham gia đóng góp cho chương trình do đơn vị tổ chức HĐCĐ cấp;

- Giấy chứng nhận/Thư xác nhận theo cá nhân hoặc tập thể về việc PVCĐ của sinh viên do đơn vị tổ chức HĐCĐ cấp, có chữ ký và dấu xác nhận của lãnh đạo Đơn vị. Trong trường hợp minh chứng không có dấu, sinh viên cần nộp các minh chứng bổ sung để xác minh thẩm quyền của người ký và tính hợp lệ của chương trình;

- Xác nhận theo mẫu tại phụ lục 3 của quy định này.

c) Các minh chứng bổ sung:

Trong một số trường hợp cần thiết, sinh viên được yêu cầu nộp một số minh chứng bổ sung để xác minh việc PVCĐ:

- Văn bản, hình ảnh giới thiệu về hoạt động, thể hiện sự có mặt của sinh viên tại HĐCĐ;

- Các đề án, nội dung mô tả về hoạt động, đặc biệt là các tác động đối với cộng đồng;

- Thông tin chi tiết liên hệ của người phụ trách;

- Các minh chứng khác theo yêu cầu.

2. Quy đổi, đề xuất điểm HĐCĐ

- Các mức quy đổi điểm HĐCĐ được xác định tại Phụ lục 1 của Quy định này;

- Đối với các HĐCĐ chưa được đề cập trong Phụ lục 1, phòng CTCT&QLSV xác định mức điểm quy đổi phù hợp với các điều khoản đã nêu trong quy định này và so sánh tính chất tương đương với các hoạt động đã được nêu trong Phụ lục 1;

- Đơn vị tổ chức HĐCĐ được đề xuất mức điểm cho HĐCĐ do Đơn vị tổ chức. Mức điểm đề xuất phù hợp với các điều khoản đã nêu trong quy định này, không vượt quá mức tối đa của hoạt động tương đương có tính chất tương đương đã được nêu trong Phụ lục 1;

- Cá nhân sinh viên tự tiến hành tổng hợp, quy đổi điểm theo hướng dẫn của phòng CTCT&QLSV đối với các HĐCĐ chưa xác định cụ thể mức điểm quy đổi.

3. Xác nhận điểm HĐCĐ:

Phòng CTCT&QLSV là đơn vị có trách nhiệm thực hiện :

- Xác nhận điểm HĐCĐ do sinh viên tự quy đổi hoặc đơn vị tổ chức HĐCĐ đề xuất;

- Điều chỉnh điểm HĐCĐ được quy đổi nếu việc quy đổi chưa phù hợp với quy định;

- Quy đổi điểm HĐCĐ đối với trường hợp sinh viên chưa thực hiện việc này.

Phòng CTCT&QLSV lên danh sách điểm HĐCĐ của sinh viên và trình Trưởng Ban Đào tạo phê duyệt.

Điều 7. Quy trình đánh giá

Việc đánh giá và quy đổi điểm HĐCĐ sẽ được thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Phòng CTCT&QLSV thông báo định kỳ hằng năm về việc xác nhận điểm HĐCĐ cho sinh viên;

Bước 2: Sinh viên tự tổng hợp các HĐCĐ đã thực hiện và điểm HĐCĐ được nhận đối chiếu dựa trên phụ lục 2 của Quy định này;

Bước 3: Phòng CTCT&QLSV tiến hành quy đổi hoặc xác nhận điểm HĐCĐ cho sinh viên. Sinh viên sẽ được yêu cầu bổ sung hoặc cung cấp minh chứng gốc nếu cần;

Bước 4: Phòng CTCT&QLSV thông báo kết quả điểm HĐCĐ cho sinh viên. Sinh viên có thể khiếu nại trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được kết quả;

Bước 5: Phòng CTCT&QLSV lập danh sách chính thức về kết quả điểm HĐCĐ của sinh viên và thông báo với phòng Đào tạo Đại học để xét tốt nghiệp.

Trong trường hợp sinh viên đề nghị xác nhận bổ sung về việc hoàn thành nghĩa vụ PVCĐ ngoài thời gian đã được thông báo, phòng CTCT&QLSV chủ động lên kế hoạch xác nhận bổ sung.  

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị

  1. Phòng CTCT&QLSV :

- Hướng dẫn, giải đáp về các nội dung được nêu trong Quy định này;

- Thực hiện công tác thống kê, quy đổi, lưu trữ kết quả tích lũy điểm HĐCĐ của sinh viên; 

- Chủ trì tổ chức đánh giá thực hiện nghĩa vụ PVCĐ toàn khóa học và thực hiện đánh giá, xác nhận để làm điều kiện xét tốt nghiệp cho sinh viên.

2. Trách nhiệm của các đơn vị khác trong Học viện :

- Chủ trì hoặc phối hợp với Ban Đào tạo và các đơn vị tổ chức các HĐCĐ phù hợp với năng lực, kiến thức và kỹ năng của sinh viên Học viện;

- Xác nhận sự tham gia của sinh viên khi tổ chức các hoạt động, lưu trữ các minh chứng để đối chiếu khi cần thiết.

3. Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên Học viện

- Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các nội dung của Quy định này tới các Chi đoàn, Chi hội trực thuộc;

- Hỗ trợ theo đề nghị của phòng CTCT&QLSV đối chiếu việc quy đổi điểm HĐCĐ và kiểm tra các minh chứng.

Điều 9. Trách nhiệm của cá nhân sinh viên

  1. Sinh viên có trách nhiệm tham gia các HĐCĐ đầy đủ, nghiêm túc, đúng hướng dẫn của BTC. Những cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động cộng đồng sẽ được xem xét đề nghị cấp Giấy khen từ Ban Giám đốc Học viện về những thành tích tiêu biểu trong HĐCĐ;
  2. Nếu cố ý không thực hiện các nghĩa vụ về giờ giấc, thái độ, hành vi trong quá trình tham gia, sinh viên có thể bị đình chỉ việc tham gia các HĐCĐ tại Học viện từ 01 học kỳ trở lên. Trong trường hợp tái phạm sau khi bị đình chỉ lần thứ nhất, sinh viên sẽ phải hoàn thành thêm 10 điểm HĐCĐ so với mức điểm tối thiểu;
  3. Nếu cố ý thống kê thiếu trung thực hoặc cung cấp sai các minh chứng PVCĐ, sinh viên sẽ không được công nhận điểm PVCĐ và phải hoàn thành thêm 20 điểm HĐCĐ so với mức điểm tối thiểu, đồng thời chịu các hình thức kỷ luật khác theo quy định của Học viện;
  4. Nếu có những hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm Quy tắc về Văn hóa ứng xử của Học viện và các quy định khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tổ chức HĐCĐ, sinh viên có thể bị đình chỉ tham gia các hoạt động cộng đồng từ 03 tháng trở lên.

 

Điều 10. Hiệu lực thi hành

  1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
  2. Việc quy đổi điểm HĐCĐ đối với các hoạt động diễn ra trước khi Quy định này có hiệu lực sẽ được áp dụng theo Quy định về Hoạt động cộng đồng được ban hành kèm theo Quyết định số 577/QĐ-HVNG ngày 12/9/2016.

 

Cụ thể văn bản gốc: TẠI ĐÂY

Nhật Trường

Cùng chuyên mục