Tọa đàm trực tuyến “Sáng kiến kinh tế biển xanh của Trung Quốc và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam”

23:16 28/09/2021

Ngày 27/7/2021, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sáng kiến kinh tế biển xanh của Trung Quốc và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam” nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận về các nội dung xoay quanh đề xuất của Trung Quốc nhằm thiết lập đối tác kinh tế biển xanh Trung Quốc – ASEAN. Việc xây dựng quan hệ đối tác kinh tế biển xanh giữa ASEAN và Trung Quốc được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 tháng 11/2018.

Tham dự Tọa đàm lần này có các chuyên gia, học giả đến từ nhiều đơn vị như Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tư lệnh Hải quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Cục hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải; Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam,… và nhiều viện nghiên cứu khác trong nước.

Trao đổi tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, “kinh tế biển xanh” là một khái niệm được Liên Hợp Quốc thúc đẩy xây dựng từ rất lâu về trước, tuy nhiên, hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế biển xanh ở khu vực  lại là một khái niệm mới và cần được đi sâu đánh giá.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), biển là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế của các quốc gia có biển, tuy vậy, trong những năm gần đây, đại dương thế giới nói chung và vùng biển của các quốc gia nói riêng đã và đang đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng về suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng rất lớn đến các lợi ích, đặc biệt là các lợi ích kinh tế mà biển có thể mang lại cho con người. Chính vì vậy, phát triển nền kinh tế biển xanh nhằm bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn vốn tự nhiên, tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên tái tạo ở biển và vùng bờ biển trở nên hết sức cấp bách và quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế biển, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân hiện nay và các thế hệ tương lai.

Đánh giá về đề xuất của Trung Quốc nhằm thiết lập đối tác kinh tế biển xanh Trung Quốc – ASEAN, các đại biểu cho rằng, sáng kiến kinh tế biển xanh của Trung Quốc đi đúng với xu thế hiện nay trên toàn cầu, do đó, nếu được triển khai, sáng kiến này sẽ góp phần giải quyết một loạt các thách thức trong vấn đề an ninh phi truyền thống như nước biển dâng, đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, biến đổi khí hậu,… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, từ đề xuất đến triển khai hợp tác trên thực tế sẽ còn mất khá nhiều thời gian để các bên trao đổi, thảo luận một cách thực chất về những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới.Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi hết sức sôi nổi và thực chất về nhiều khía cạnh xoay quanh sáng kiến này như làm rõ nội hàm, mục tiêu của sáng kiến cũng như đánh giá triển vọng của sáng kiến này trong thời gian tới.  Trên cơ sở đó, Tọa đàm ghi nhận nhiều đề xuất chính sách và kiến nghị của các chuyên gia, học giả trong việc nhìn nhận, đánh giá sáng kiến này, từ đó đi đến những hướng triển khai chính sách cụ thể cho ASEAN và Việt Nam trên thực tế.

Lan Hoàng

Cùng chuyên mục