Trò chuyện với Họa sĩ, Dịch giả Trịnh Lữ: VIỆC ĐỌC, VIỆC DỊCH, VIỆC LÀM NGHỀ VÀ LÀM NGƯỜI
Buổi giao lưu giữa họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ và sinh viên Học viện Ngoại giao do Ban Đào tạo tổ chức ngày 9/5 vừa qua đã nhận được sự chào đón, nhiệt tình tham dự của gần 400 sinh viên các khóa, các ngành.
Các tin nhắn lan truyền, khán phòng đông kín, chương trình dự kiến kết thúc lúc 5h30 chiều nhưng trên thực tế đến gần 7h00 tối các bạn sinh viên vẫn xúm xít vòng trong vòng ngoài xin chữ ký và trò chuyện với diễn giả.
Họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ là một nhân vật nổi tiếng khi có thể nói ông đạt được sự thành công, tôn trọng, mến mộ trong bất cứ lĩnh vực nào mà ông theo đuổi: hội họa, dịch thuật, viết sách… và trong mấy năm gần đây là các hoạt động với tư cách là khách mời của các chương trình truyền hình, các diễn đàn trực tuyến. Được trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ về việc nghề, việc đời của ông là một cơ hội hiếm hoi, quý giá mà sinh viên Học viện Ngoại giao đã có được vì mặc dù được nhiều người mến mộ về tài năng, cách sống và khả năng truyền đạt những quan niệm về nghệ thuật và cuộc sống rất thu hút, khác biệt nhưng ông lại nổi tiếng là kiệm lời, hạn chế xuất hiện trước công chúng hết mức có thể.
Buổi trò chuyện với diễn giả Trịnh Lữ xoay quanh ba chủ đề: việc đọc sách, việc dịch thuật và các quan niệm về nghệ thuật, đời sống đã được các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe, hào hứng hỏi – đáp. Khi được hỏi về việc làm như thế nào để lan tỏa văn hóa đọc và khuyến khích người trẻ đọc sách, cả hội trường cười “ồ” khi diễn giả thẳng thắn cho rằng chẳng có phong trào nào bằng việc mỗi người tự tìm lấy cho mình niềm đam mê với sách. Bố mẹ đọc sách thì con cái đọc sách, mình đọc sách thì các bạn chơi với mình sẽ đọc sách… Tốt nhất hãy tự tìm thấy niềm vui với sách, đắm đuối với nó tới mức không còn quan tâm liệu người khác có đọc sách giống mình không, họ đang đọc sách gì, họ có đọc nhiều (hay đọc ít) như mình không... Ông cũng tận tình chia sẻ với sinh viên những bí quyết đọc tài liệu, giáo trình, làm sao để nắm bắt được ý chính, những gì cần cho việc học cụ thể của mình. Các bạn trẻ cũng hết sức thấm thía khi ông nhấn mạnh rằng, thông tin bây giờ tràn lan, kiến thức thì cũng nhiều thứ rườm rà, làm điệu, hãy tìm đến sách để học hỏi nhưng là để học hỏi những gì cốt lõi nhất, những gì đã vượt qua thời gian, trở thành giá trị chung của nhân loại, từ đó tự áp dụng, tự học trong đời sống, đi vào đời sống mà trải nghiệm và vận dụng từ những tri thức ngàn đời được “mã hóa” trong mỗi người.
Diễn giả cũng cởi mở với những phương cách đọc sách và tiếp cận kiến thức mới trên các nền tảng công nghệ thông tin như các chương trình dạy và học trực tuyến, nói chuyện chủ đề trực tuyến, sách nói, sách điện tử… và cho rằng không thể chối bỏ tầm quan trọng của những hình thức mới mang lại sự tiện lợi và phục vụ nhu cầu cho đời sống hiện đại của con người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, việc cầm một cuốn sách giấy đọc ở giữa thiên nhiên hay thư phòng yên tĩnh vẫn là một giao đãi thích thú và riêng tư, sâu lắng hơn.
Ban tổ chức chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi về lĩnh vực dịch thuật. Do thời lượng của chương trình có hạn nên dịch giả không thể trả lời hết được các câu hỏi được sinh viên gửi đến từ trước, tuy vậy, những vấn đề cốt yếu nhất của công việc dịch thuật cũng đã được ông đề cập đến trong buổi trò chuyện. Ông giải thích lý do vì sao mà ông cho rằng dịch giả là đồng tác giả, không thể và không nên “bê” nguyên nội dung “bề nổi” của cuốn sách ở ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch. Theo ông, một bản dịch hay không phải là chỉ cốt làm sao theo sát được nội dung từng câu, từng chữ mà phải bắt được mạch văn, giọng văn của tác giả rồi truyền tải nó sang ngôn ngữ của người dịch sao cho người đọc có được cảm xúc giống như cảm xúc của người đọc bằng ngôn ngữ gốc của tác phẩm. Và để một sinh viên học tốt, dịch tốt không có cách nào khác hơn là phải học ngoại ngữ cho thật giỏi, phải đọc sách tiếng Việt và sách tiếng nước ngoài để tăng cường vốn từ và khả năng diễn đạt.
Ở phần chia sẻ về nghệ thuật và quan niệm sống, diễn giả đã rất cảm động khi nhận được những chia sẻ và câu hỏi thể hiện những mối quan tâm sâu sắc của sinh viên Học viện Ngoại giao. Ông chân thành chia sẻ, đối với ông nghệ thuật và sáng tạo chính là bản năng sống của con người, là cách mà con người bên trong giao đãi với thế giới bên ngoài. Chính vì thế mà ông cổ xúy lối vẽ “mắt nhìn tay vẽ” vì nó giúp con người nuôi dưỡng được tình yêu với thiên nhiên, với đời sống thực, rèn giũa phẩm chất chân thực và khả năng quan sát sắc bén. Với những câu hỏi tưởng như rất dễ rơi vào những câu trả lời hoa mỹ, họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ đã nói rất ngắn gọn, dễ hiểu, xác đáng và có giá trị như là kim chỉ nam cho cuộc đời của mỗi người. Một tâm hồn đẹp là một tâm hồn chân thực, tự nhiên, giản dị. Tử tế là làm những công việc nuôi sống bản thân mình và gia đình một cách tận tâm, trung thực. Làm nghề Ngoại giao hay làm nghề gì cũng thế, mỗi người cần phải tìm cho ra một nét đẹp lãng mạn của nghề, một ý nghĩa cao cả cho công việc mà mình đang làm thì mới vượt qua được những rào cản, những khó khăn, những bất như ý trong công việc để làm việc tốt và không nản lòng.
Ban Đào tạo.