Tọa đàm: “Trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam”

12:16 25/01/2024

Sáng 24/01/2024, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo (AI) trong quan hệ quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các đơn vị, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao. TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao chủ trì Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Trong bài phát biểu khai mạc, TS. Vũ Lê Thái Hoàng nhận định AI đã trở thành một trong những từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2023 sau khi chat GPT với nền tảng AI lập kỷ lục là công cụ chatbot có số lượng người dùng đăng ký tăng trưởng nhanh nhất, thúc đẩy sự phát triển hàng loạt ứng dụng AI khác. Điểm đáng chú ý là, mặc dù kinh tế thế giới đang trong chu kỳ suy thoái kéo dài do đa khủng hoảng, thị trường AI vẫn phát triển bùng nổ. Năm 2023 cũng được coi là năm của quản trị AI khi hàng loạt các diễn đàn đa phương đều tập trung vào chủ đề này. Bất chấp cạnh tranh chiến lược đang diễn ra quyết liệt, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhất trí về sự cần thiết của việc sử dụng công nghệ AI một cách an toàn và duy trì các kênh đối thoại về AI nhằm ngăn ngừa rủi ro. Nhiều nước đang nghiên cứu xây dựng luật, quy định về quản trị AI ở cấp quốc gia và khu vực.

Từ góc nhìn quan hệ quốc tế, sự phát triển của AI có thể tái định hình chính trị quốc tế, thay đổi cán cân quyền lực.  Các nước lớn sẽ sử dụng AI để giành ưu thế đáng kể trước các đối thủ cạnh tranh chiến lược. Các nước vừa và nhỏ xem AI như một cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước lớn hơn. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này và khó tránh khỏi các tác động thuận và nghịch từ công nghệ AI.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm

Với hai phiên “Bức tranh toàn cảnh về AI” và “Những khuyến nghị cho Việt Nam trước các xu thế toàn cầu về AI, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về thực trạng và xu hướng phát triển của AI, cơ hội và thách thức trong quản trị AI tại Việt Nam cũng như các tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Một số đại biểu nhận định AI đang là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” toàn cầu, song có nhiều rủi ro chưa được xác định, đặt ra rất nhiều thách thức đối với quản trị toàn cầu và hợp tác quốc tế.  

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần gấp rút xây dựng, hoàn thiện các cơ chế và hành lang pháp lý về AI; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ; huy động và thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ nghiên cứu,  phát triển AI. Bộ Ngoại giao cần phát huy vai trò tiên phong, đóng góp tích cực vào tham gia xây dựng luật chơi, thúc đẩy kết nối, thu hút nguồn lực và tri thức, giúp Việt Nam từng bước vươn lên trên bản đồ AI toàn cầu./.  

(Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến lược)

Anh Tuấn-My Nguyễn

Cùng chuyên mục