Hội thảo quốc tế về “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”

14:30 12/12/2023

Sáng ngày 11/12 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về "Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức, với sự đóng góp hỗ trợ về nội dung của Học viện Ngoại giao. Tham gia Hội thảo gồm các đại biểu là cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành, cơ quan và các chuyên gia, học giả Việt Nam và Australia. Nội dung của Hội thảo tập trung trao đổi, chia sẻ về bối cảnh chung và chính sách của hai nước trong việc tăng cường sức mạnh mềm trên các nền tảng phương tiện truyền thông mới.

Khai mạc hội thảo, PGS. TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã bày tỏ sự quan tâm cũng như ấn tượng đối với chiến lược ngoại giao công chúng của Chính phủ Australia, cách đất nước này tập trung quảng bá hình ảnh qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Ông cũng khẳng định rằng việc phát triển sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trở thành động lực và sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS. TS. Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

Về phía Australia, ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động khai thác sức mạnh mềm, đồng thời cho rằng, trong các xung đột như cuộc chiến hiện nay giữa Isreal và Hamas, đấu tranh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng như cuộc chiến đang diễn ra trên  thực địa.

Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam

PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu phiên tham luận với bài trình bày về “Sự trỗi dậy của sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số”. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ rằng Việt Nam tuy có xuất phát điểm thấp và muộn hơn, nhưng được đánh giá có nhiều nguồn lực để phát triển sức mạnh mềm trong kỉ nguyên số.

Tham gia hội thảo còn có sự góp mặt của ông Phạm Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông và TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Tiếp sau đó, ông Nguyễn Quế Lâm - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu về “Chính sách quốc gia của Việt Nam về tăng cường sức mạnh mềm, thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới”. Ông chia sẻ rằng, chỉ số quyền lực mềm và giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể và tăng nhanh trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Quế Lâm - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương

Về phía Australia, Ông Greg Wilcock - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Truyền thông, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đã chia sẻ về chính sách quốc gia của Australia về tăng cường sức mạnh mềm và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông mới.

Ông Greg Wilcock - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Truyền thông, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia
Giáo sư Caitlin Byrne - Phó Hiệu trưởng Đại học Griffith, Australia chia sẻ về tình huống nghiên cứu của Australia

Trong phiên thảo luận của Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ về những vấn đề có tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của các quốc gia trong thời điểm hiện nay. Đó là vai trò của truyền thông quốc tế đối với việc tăng cường sức mạnh mềm quốc gia; ngoại giao số nhằm xây dựng một thế giới bền vững; vấn đề về đạo đức trong kỷ nguyên ngoại giao số; hiệu quả và sự đổi mới phương thức triển khai của chính sách ngoại giao công chúng. Nhìn nhận mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Australia, TS. Phạm Lan Dung đánh giá hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác hướng tới cùng nhau gia tăng sức mạnh mềm, đồng thời gợi ý hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, du lịch và văn hóa. Điều này sẽ không chỉ tạo lợi ích cho cả hai nước mà còn đóng góp vào sự phát triển và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận
Ông Greg Wilcock - Trợ lý ngoại trưởng phụ trách Truyền thông, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao

Phạm Dương

Cùng chuyên mục